Bệnh khá phổ biến ở xứ nhiệt đới như ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, trong đó có nước ta.
Nếu không tính đến tuổi tác viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân chỉ chiếm 3-6% nhưng tăng đến 33% ở trẻ em và tới 90% ở tuổi dậy thì. Ở xứ nóng châu Phi tỷ lệ chung viêm kết mạc- giác mạc mùa xuân là khoảng 4-5%. Không có lý do nào có thể giải thích thỏa đáng nhưng rất nhiều tổng kết cho thấy trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ.
Giải thích tại sao bệnh có gắn đến mùa xuân, y văn có nêu rõ tại châu Âu và châu Á bệnh biểu hiện rầm rộ vào mùa xuân. Tuy nhiên nếu theo dõi kỹ sẽ thấy bệnh toàn phát cả trong những tháng mùa đông, vài năm sau sẽ trở thành mạn tính và quanh năm.
Ngứa mắt là triệu chứng điển hình
Biểu hiện của bệnh khá đa dạng nhưng phải nói ngay là ngứa mắt là khó chịu nổi trội nhất và làm bệnh nhân ghê sợ nhất. Cách mô tả của bệnh nhân làm chúng tôi có thể định hướng chẩn đoán ngay đó là: Ngứa như muốn cào mắt ra, ngứa càng gãi càng thích, ngứa không làm gì nổi chỉ muốn móc mắt ra… Các triệu chứng kèm theo là chảy nước mắt, tiết gỉ mắt nhày dính, sợ sáng, co quắp mi, cảm giác như có sạn trong mắt. Tuy biểu hiện cả hai mắt nhưng có thể một mắt nặng hơn. Năm này qua năm khác cứ vào mùa xuân là tái phát nhưng khoảng 23% bệnh nhân sẽ chuyển sang thể mạn tính, quanh năm.
Trẻ em là đối tượng hay bị viêm kết - giác mạc.
Các thể bệnh
Biểu hiện lâm sàng được chia thành 3 thể bệnh chính: Thể kết mạc, thể vùng rìa và thể giác mạc
Thể kết mạc: Kết mạc sụn mi thâm nhiễm rất nhiều các nhú khổng lồ đường kính trên 1mm, đặc trưng bởi phần nổi của nhú bị chém phẳng, đôi khi bắt màu thuốc nhuộm fluoresceine. Ngoài ra nhú viêm còn xuất hiện ở vùng rìa, dính mi cầu và sẹo xơ kết mạc đôi khi có thể gặp.
Thể vùng rìa: Đặc trưng bởi sự dày lên và trắng đục của vùng rìa, tích tụ gelatin, các hột cũng có thể đúc nhập với nhau. Các nốt Horner-Trantas chính là các nốt trắng chứa các tế bào biểu mô giác mạc thoái hóa và bạch cầu ái kiềm. Tế bào mầm vùng rìa suy giảm kèm theo tân mạch hóa vùng rìa.
Thể giác mạc: Biểu hiện khá đa dạng tùy theo độ nghiêm trọng của bệnh. Tổn thương có thể chỉ là các chấm trên biểu mô sau đó tích tụ thành các mảng trợt biểu mô rồi loét giác mạc dạng hình khiên. Mảng loét chứa nhiều fibrin và chất nhày. Sau loét là quá trình tân mạch hóa, nếu lui giảm sẽ để lại sẹo hình nhẫn. Các chất ở diện nông của nhu mô vùng giác mạc chu biên dạng sáp và lipid làm người ta thấy giống thoái hóa giác mạc rìa của người già. Giác mạc hình chóp là tổn thương của giác mạc sau quá trình bệnh nhân day dụi trường diễn do ngứa mắt dai dẳng.
Chẩn đoán có khó?
Chẩn đoán viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân khá dễ dàng mà không cần xét nghiệm gì đắt tiền. Tiền sử dị ứng, tuổi phát bệnh, ngứa mắt nhiều và hình ảnh khá đặc trưng giúp ta có chẩn đoán khá dễ dàng. Tuy nhiên ở góc độ chuyên khoa sâu viêm kết mạc- giác mạc mùa xuân cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý dị ứng mạn tính khác tại mắt như viêm kết mạc (VKM) có nhú khổng lồ, VKM dị ứng theo mùa, VKM quanh năm. Hai thể bệnh rất giống nhau nhưng tiên lượng hoàn toàn khác nhau là viêm kết mạc-giác mạc mùa xuân và viêm kết giác mạc cơ địa (AKC). Viêm kết mạc-giác mạc mùa xuân có xu hướng ổn định hoặc khỏi sau tuổi dậy thì còn AKC hay kèm viêm da cơ địa, nặng, nhiều biến chứng trên giác mạc và kéo dài qua tuổi dậy thì đến tuổi trưởng thành.
Nếu tính đến cơ chế bệnh sinh thì rối loạn miễn dịch dạng dị ứng type I và type IV là nguyên nhân gây ra viêm kết mạc-giác mạc mùa xuân. Type I là quá trình quá mẫn tức thì – thể phụ thuộc IgE, chính các tế bào lympho B trong các nang lympho ở kết mạc đã sản xuất ra IgE. Bên cạnh đó là type IV với vai trò của lympho T helper dòng CD4 qua cơ chế quá mẫn chậm. Các yếu tố tăng nặng phải kể đến bao gồm giới tính, hormone sinh dục, cảm thụ quan về hormone sinh dục bị kích động quá đáng, yếu tố tăng trưởng các neuropeptids và prostaglandine của người bị viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân trong máu và nước mắt cũng tăng bất thường.
Viêm kết mạc-giác mạc mùa xuân tăng nặng nếu phơi nhiễm nhiều với tia tử ngoại, hơi xăng, khói thuốc. Tiền sử nhiễm bệnh mắt hột, ký sinh trùng đường ruột cũng được đem ra nghiên cứu nhưng xem ra không có liên quan nhiều.
Và điều trị
Điều trị viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân không có nhiều sự lựa chọn. Thêm nữa, thuốc men có thể trả lại trạng thái bình thường cho người bệnh hay không thì cả bệnh nhân và bác sĩ sẽ đều nói là không. Điều trị sẽ làm giảm ngứa, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc cho người bệnh. Chung sống hòa bình là khái niệm khá chính xác để nói về hiệu quả của điều trị.
Các thuốc kháng histamine dạng nhỏ, các thuốc bền màng dưỡng bào là sự lựa chọn hàng đầu. Trong đó phải kể đến levocabastine, cromolyn sodium, lodoxamide. Gần đây các thuốc tác động kép kháng histamine và bền màng dưỡng bào mới được sáng chế và được dùng khá phổ biến là olopatadine và ketotifen. Trong khi các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có vai trò khá yếu ớt thì thuốc chống viêm nhóm cortizol sẽ đem lại sự thỏa mãn cho người bệnh ngay mặc dù nhóm thuốc này có nhiều biến chứng như gây đục thể thủy tinh và glaucoma. Nếu dùng thận trọng thì dòng cortizol nhỏ mắt an toàn nhất hiện nay là estecorticoide như loteprednol.
Cyclosporine A (CsA) cũng là sự lựa chọn tốt cho bệnh nhân viêm kết mạc- giác mạc mùa xuân đặc biệt là thể dị ứng chậm - type IV. Restasis là thuốc được nhiều báo cáo công nhận tác dụng tốt với các thể bệnh nặng. Tacrolimus dạng nước và mỡ được coi là một thuốc điều hòa miễn dịch như CsA nhưng mạnh hơn. Tuy nhiên giá thành và tác dụng phụ là bội nhiễm Herpes và vi khuẩn cũng làm người ta lo ngại. Hiện tại hướng điều trị miễn dịch là kháng thể kháng IgE được coi là hướng đi mới. Các thủ thuật hay phẫu thuật bổ sung được dùng để giải quyết biến chứng và di chứng của viêm kết mạc- giác mạc mùa xuân. Người ta có thể tiêm thuốc trực tiếp vào sụn mi, ghép màng ối hay điều trị sẹo giác mạc bằng laser, lạnh đông hay áp tia xạ, ghép tế bào mầm vùng rìa, ghép giác mạc…
Phòng bệnh ra sao?
Phòng bệnh là khâu quan trọng để giúp các bệnh nhi chung sống với viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân, chờ bệnh tự khỏi khi đến tuổi trưởng thành. Tránh nóng, tránh tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời giúp bệnh không bị tái phát hoặc tăng nặng là rất quan trọng. Đội mũ, đeo kính râm, tránh ra nắng, không để trẻ gần các nguồn nhiệt làm bệnh nhẹ đi nhiều. Tránh xa các dị nguyên, tự bảo vệ và cách ly khỏi các nguồn dị ứng cần được các bậc phụ huynh nhắc nhở nghiêm túc. Tuy xa xỉ nhưng việc chọn vùng vi khí hậu tốt để sinh sống đặc biệt là những bệnh nhân có kèm dị ứng toàn thân nặng như hen cũng nên cân nhắc. Điều trị giảm nhẹ viêm kết mạc- giác mạc mùa xuân bằng tiêm dị nguyên dưới da gần đây không được bàn luận nhiều nhưng thiết nghĩ cũng nên thử áp dụng, ít ra là với ý nghĩa phòng bệnh.