Vì sao trẻ hay bị viêm họng tái phát?
Viêm họng ở trẻ có thể là viêm họng cấp hoặc mạn tính.
- Với viêm họng cấp bên cạnh các yếu tố như thay đổi thời tiết, bụi bẩn, khói thuốc... thì nguy cơ gây viêm họng cấp còn có nguyên nhân thường gặp là do vi khuẩn (liên cầu, tụ cầu, phế cầu...) hoặc do virus cúm, sởi, Adenovirus...
- Với viêm họng mạn tính ở trẻ thường xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh hô hấp, tiếp xúc với các chất gây dị ứng, giải phẫu mũi - xoang bất thường. Bệnh dễ tái phát và khó điều trị khỏi hoàn toàn.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng viêm họng tái phát ở trẻ, trong đó thường thấy là do tình trạng chưa điều trị dứt điểm đợt viêm họng cấp, nên bệnh dễ tiến triển thành mạn tính.
Với trẻ có yếu tố dị ứng như dị ứng thời tiết cũng dễ dẫn đến viêm họng tái phát. Ngoài ra, tình trạng trẻ lây nhiễm từ người thân trong gia đình hoặc lây ở trường học… dẫn đến trẻ bị viêm họng liên tục. Với thực trạng trẻ có thể vừa mắc loại virus này, mới điều trị khỏi lại nhiễm tiếp một loại virus khác ngay ở thời điểm cơ thể đang bị suy giảm sức đề kháng sau đợt nhiễm bệnh trước.
Những thói quen xấu từ chăm sóc của người lớn như để trẻ bị lạnh, tắm muộn, mặc quần áo quá nhiều, chạy nhảy nô đùa… khiến cho trẻ bị nhiễm lạnh, có thể gây viêm họng tái phát.
Nhận biết trẻ bị viêm họng
Khi trẻ bị viêm họng sẽ có biểu hiện mệt mỏi, lười ăn, hay khóc, quấy. Kèm theo tình trạng sốt cao, có lúc lên tới 39 – 40 độ, ngạt mũi, khó thở, ho. Biểu hiện nặng hơn là nôn trớ, có thể sốt lên cơn co giật. Khi khám các bác sĩ thấy được mủ trắng bẩn ở khe hốc amidan, có thể xuất hiện hạch hai bên hàm, ấn vào thấy đau. Sau khi xét nghiệm cho thấy kết quả bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
Có những trẻ viêm họng nhẹ chỉ cần chăm sóc đúng, không cần dùng thuốc và sẽ tự khỏi trong vài ngày, nhưng cũng có những trẻ không điều trị có thể gây những biến chứng khó lường. Các biến chứng có thể gặp như viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai, viêm hạch mủ, VA quá phát (ở trẻ nhỏ), và nguy hiểm nhất là dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Vì vậy, cha mẹ hãy chú ý đưa con đến bệnh viện thăm khám khi con có biểu hiện viêm họng hoặc có biểu hiện bất thường.
Tùy từng trường hợp khác nhau, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.
Làm gì để trẻ không bị viêm họng tái phát?
Việc phòng viêm họng tái phát cho trẻ không hẳn dễ dàng, nhưng cha mẹ có thể giảm nguy cơ viêm họng tái phát bằng cách hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, mang khẩu trang và che chắn cẩn thận khi cho trẻ ra ngoài. Mùa hè, không nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn lạnh như kem, uống nước đá...
Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, hoạt động thể chất. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Lúc giao mùa cha mẹ phải lưu tâm nhiều hơn đến chế độ ăn uống, vui chơi của con. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để giúp tăng sức đề kháng. Cần bổ sung nước ép từ quả mọng, giàu vitamin C có lợi ích cho sức khỏe của trẻ.
Chú ý đến sinh hoạt vui chơi của trẻ, không để con nô đùa quá mức… tránh để trẻ vã mồ hôi khiến trẻ dễ bị cảm lạnh.
Khi trẻ mắc bệnh viêm họng cần tuân thủ đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, chú ý cho con uống thuốc đúng liều, tránh tình trạng tự ý giảm liều thuốc khi thấy bệnh đỡ, dùng thuốc không theo chỉ định.
Khi phát hiện trẻ bị viêm họng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, tránh tình trạng bệnh kéo dài, gây những biến chứng phức tạp.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.