1. Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm kéo dài, dai dẳng ở vùng họng, thường là hậu quả của các đợt viêm họng cấp tái phát nhiều lần và không đáp ứng hiệu quả với điều trị thông thường.
Bệnh viêm họng mãn tính biểu hiện qua các triệu chứng như đau rát họng kéo dài, ho dai dẳng, tăng cảm giác đau khi nuốt, có thể kèm đờm. Tình trạng này nếu kéo dài nhiều tuần cần được thăm khám để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Hình ảnh viêm họng mãn tính.
Dựa trên đặc điểm tổn thương, viêm họng mãn tính được phân thành bốn thể lâm sàng chính:
- Viêm họng mãn tính sung huyết đơn thuần: Niêm mạc họng đỏ, dễ quan sát thấy nhiều mạch máu.
- Viêm họng mãn tính xuất tiết: Niêm mạc họng xung huyết đỏ, tiết nhiều chất nhầy trong, dính nhẹ ở thành họng.
- Viêm họng mãn tính quá phát (viêm họng hạt): Niêm mạc họng dày, đỏ; các tổ chức bạch huyết phát triển thành các đám hoặc dải mô nổi rõ ở thành sau họng.
- Viêm họng teo: Niêm mạc họng mỏng, teo, khô; thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý mạn tính như trĩ mũi.
Các yếu tố chính góp phần dẫn đến viêm họng mãn tính bao gồm:
- Nhiễm trùng: Các vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn (Streptococcus), có thể gây tổn thương tại họng và các cơ quan khác như tim, khớp nếu không điều trị kịp thời.
- Ô nhiễm không khí: Khói bụi, khí độc, hóa chất trong môi trường sống và làm việc có thể gây kích ứng và viêm niêm mạc hô hấp.
- Viêm amidan mãn tính: Tình trạng viêm kéo dài tại amidan có thể lan tỏa và gây viêm họng mãn tính.
- Viêm xoang mãn tính: Dịch nhầy từ xoang chảy xuống họng là tác nhân kích ứng kéo dài.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Axit từ dạ dày trào lên gây tổn thương vùng họng, dẫn đến viêm mạn tính.
- Ung thư vòm họng: Dù hiếm gặp, đây là nguyên nhân nghiêm trọng cần được lưu ý khi có triệu chứng kéo dài không cải thiện.
- Các nguyên nhân khác: Vẹo vách ngăn, polyp mũi, cơ địa dị ứng.
2. Triệu chứng viêm họng mãn tính
Triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau họng kéo dài, cảm giác rát, ngứa, khô và vướng họng (nặng hơn vào buổi sáng).
- Khó nuốt, nuốt đau.
- Ho kéo dài, khạc đờm thường xuyên. Khàn tiếng, thay đổi giọng nói.
- Cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ hơi, ợ chua (trong trường hợp có trào ngược dạ dày).
Các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi thường không rõ rệt.
3. Viêm họng mãn tính có lây không?
Bệnh viêm họng mãn tính không lây truyền từ người bệnh sang người lành.
4. Điều trị viêm họng mãn tính
Điều trị nguyên nhân
Viêm mũi xoang, viêm amidan: dùng kháng sinh theo chỉ định. Trào ngược dạ dày – thực quản: sử dụng thuốc kháng acid (PPI). Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, ô nhiễm không khí.
Điều trị triệu chứng
Thuốc giảm đau, kháng viêm, long đờm, kháng histamin. Thuốc giảm ho, nhỏ mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Súc họng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối.
Điều trị toàn thân
Lối sống lành mạnh, bổ sung vitamin A và C. Vệ sinh môi trường sống, không gian làm việc sạch sẽ, thông thoáng.
5. Phòng ngừa viêm họng mãn tính
Các biện pháp dự phòng bao gồm:
- Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ vitamin.
- Giữ gìn không khí trong lành, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.
- Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc.
- Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, súc họng mỗi ngày.
- Điều trị dứt điểm viêm mũi xoang, viêm amidan cấp.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt ở môi trường ô nhiễm.
- Vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt sau khi ho hoặc hắt hơi.
- Chủ động điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản nếu có.