Hỏi: Tôi năm nay 56 tuổi, bị viêm họng và đã đi khám tại một bệnh viện và nội soi nhiều lần tại bệnh viện, sau đó được bác sĩ kết luận là bị viêm họng mạn tính. Nhưng hơn nửa năm nay uống thuốc theo toa của bác sĩ tại bệnh viện vẫn không hết, cảm giác như bị vướng cái gì đó trong cổ họng, không bị ợ hơi, không bị ho, không hút thuốc, không uống rượu bia, súc nước muối hàng ngày. Xin bác sĩ tư vấn tôi bị bệnh gì, phải điều trị như thế nào, điều trị tại đâu để trị khỏi hẳn căn bệnh viêm họng mà tôi đang mắc phải?
(Trí Trung - Cái Bè - Tiền Giang)
Trả lời: Qua thư trình bày của anh, thì anh đã bị viêm họng mãn tính.
Viêm họng mạn tính là bệnh kéo dài hay tái phát nhất lúc thời tiết thay đổi, điều kiện thuận lợi cho một số bệnh đường hô hấp xuất hiện, trong đó phải kể đến viêm họng từ mãn sang những đợt viêm họng cấp tính.
Bệnh dễ xuất hiện hơn khi cơ thể anh có bệnh kèm theo như: viêm amiđan, sâu răng, viêm phế quản, ngạt tắc mũi do nhiều nguyên nhân: dị hình vách ngăn, polyp mũi, viêm mũi, xoang nhất là viêm xoang sau khiến nhầy mủ luôn chảy xuống thành sau họng; các chất kích thích như: khói thuốc lá, rượu bia, bụi, sợi bông, hóa chất..., yếu tố cơ địa: thể địa dị ứng, suy gan, đái tháo đường...
Vì vậy, anh cần tuân thủ về nguyên tắc điều trị. Cần phải điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh như đã nói trên. Trước mắt về điều trị tại chỗ, giai đoạn xuất tiết, anh súc họng bằng dung dịch nước muối nhạt, xông khí dung họng bằng kháng sinh và corticoid. Nếu có nhiều hạt giai đoạn quá phát, cần đến bác sĩ chuyên khoa để nên đốt điện hay laser CO2.
Bên cạnh đó, anh cần phòng bệnh như vệ sinh răng miệng, khám và điều răng, lấy vôi răng định kỳ, vì đây là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Cần đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, mặc bảo hộ khi tiếp xúc với bụi và hóa chất, súc miệng hàng ngày bằng dung dịch kiềm ấm hoặc nước muối. Nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng tốt, tăng cường các vitamin A, D, uống đủ nước và không quên tập vận động thể lực.