Viêm họng hạt: Nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội

28-10-2021 00:01 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm họng hạt là một dạng viêm họng phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như công việc và đời sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

Theo thống kê, trong 80% người Việt bị viêm họng, có 45% người bị viêm họng hạt. Vậy viêm họng hạt là gì và phương pháp điều trị, phòng ngừa như thế nào? sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây. Bài viết sử dụng lại một số thông tin tư vấn chuyên môn của PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào - Bác sĩ điều trị, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đăng tải trên Báo Sức khỏe & Đời sống.

    1. Viêm họng hạt là gì?

Viêm họng hạt là một dạng tiêu biểu của viêm họng mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục khiến niêm mạc bị sung huyết và xuất tiết liên tục khiến cho cơ thể bị suy yếu dễ dàng bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, từ đó hình thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở thành sau họng. 

Bệnh phát triển ở những người bị viêm họng tái phát nhiều lần, dai dẳng vì vậy rất khó trị dứt điểm và dễ tái phát.

Bệnh viêm họng hạt có thể khởi phát đơn độc hoặc đi kèm với các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm xoang mãn tính, viêm khí phế quản mãn tính…

Viêm họng hạt: Nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa - Ảnh 1.

Viêm họng hạt.

Viêm họng hạt tuy không quá nguy hiểm nhưng cần điều trị đúng cách và kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm không đáng có như:

  • Phát triển các bệnh đường hô hấp liên quan như viêm mũi, viêm xoang mãn tính, viêm khí phế quản mãn tính…
  • Viêm tấy, áp xe amidan hoặc thành họng.
  • Dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim… thậm chí gây ra các tình trạng bệnh nguy hiểm như viêm phổi hoặc ung thư vòm họng.

    2. Nguyên nhân viêm họng hạt

Các hạt ở niêm mạc họng hình thành do cơ thể bị nhiễm trùng trong thời gian dài khiến cho các nang lympho - có vai trò bảo vệ cơ thể và các cơ quan hô hấp khỏi virus, vi khuẩn - phải hoạt động quá mức từ đó dẫn đến tình trạng tăng sản, hình thành các hạt nổi cộm phía trong niêm mạc họng. Do đó bệnh viêm họng hạt được bắt gặp ở các bệnh nhân có tiền sử bị viêm họng dai dẳng, tái phát nhiều lần.

Các nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm họng hạt bao gồm:

  • Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm.
  • Do viêm xoang mãn tính, khiến dịch nhầy ở xoang chảy xuống thành họng gây nên tình trạng viêm nhiễm.
  • Do viêm amidan mãn tính.
  • Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), dịch dạ dày chảy vào họng gây viêm nhiễm.
  • Bệnh viêm họng cấp không được điều trị dứt điểm, tái phát nhiều lần dẫn đến tình trạng tăng sản nang lympho.
  • Bất thường trong giải phẫu cấu trúc mũi - xoang: polyp mũi, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi khiến dịch mũi chảy ngược xuống họng…
  • Sinh hoạt hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá hoặc sử dụng bia rượu, chất kích thích thường xuyên…
  • Hệ miễn dịch kém, cơ địa nhạy cảm hoặc có tiền sử mắc các bệnh di truyền miễn dịch.

3. Triệu chứng của viêm họng hạt

  • Luôn có cảm giác vướng víu, ngứa và khô họng, đặc biệt sau khi ngủ dậy.
  • Thành họng xuất hiện các hạt đỏ, hồng lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh.

Viêm họng hạt: Nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa - Ảnh 2.

Thành họng xuất hiện hạt đỏ.

  • Có cảm giác đau, nghẹn khi nuốt thức ăn, uống nước hoặc thậm chí là nuốt nước bọt.
  • Bệnh nhân thường phải đằng hắng hoặc cố gắng khạc đờm, đờm đặc quánh, màu trắng đục.
  • Cổ nổi hạch, sờ thấy cứng, đau khiến cho bệnh nhân sốt, đau đầu…
  • Có thể bị sốt cao trên 38 độ C
  • Khàn giọng sau khi phải giao tiếp trong thời gian dài.
  • Người bệnh có thể bị ù tai do niêm mạc vòi Eustache dày do quá sản.

    4. Chẩn đoán viêm họng hạt

Các dạng viêm họng đều có những biểu hiện hoặc triệu chứng khá giống nhau, do đó cách tốt nhất để nhận biết dạng viêm họng mình mắc phải là đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật để xác định bệnh viêm họng hạt như sau:

  • Thăm khám lâm sàng: bác sĩ sẻ hỏi về các triệu chứng ở họng của người bệnh để xác nhận xem họ có phải bị viêm họng hạt không và tiến hành khám vòm họng. Viêm họng hạt có các biểu hiện tổn thương thực thể khá rõ và dễ nhận biết do đó thông qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể xác định được tình trạng bệnh.
  • Nội soi thanh quản: cho phép bác sĩ quan sát rõ niêm mạc họng, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh viêm họng hạt.
  • Chụp X- Quang phổi: Nếu nghi ngờ người bệnh mắc bệnh viêm họng hạt kèm theo các bệnh viêm đường hô hấp dưới, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành X-Quang phổi sau khi đã nội soi thanh quản để chẩn đoán chính xác nhất.

    5. Điều trị viêm họng hạt

      a, Điều trị nguyên nhân gây bệnh viêm họng hạt

Nếu bệnh viêm họng hạt hình thành từ biến chứng hoặc có liên quan các bệnh lý đường hô hấp thì phương pháp tốt nhất để điều trị viêm họng hạt chính là điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh này hoặc các nguyên nhân gây bệnh như:

  • Điều trị dứt điểm viêm xoang, viêm amidan, viêm mũi… để tránh tình trạng dịch chảy xuống vòm họng. Khi các bệnh lý đường hô hấp liên quan này được điều trị kịp thời thì tình trạng tăng sản sẽ không còn xuất hiện, các hạt ở cổ họng sẽ thuyên giảm cả về số lượng lẫn kích thước.
  • Điều trị dứt điểm hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Phẫu thuật cắt bỏ amidan, VA, hoặc polyp mũi… để đảm bảo sự thoát dịch và lưu thông ở mũi.
  • Từ bỏ bia rượu thuốc lá và các chất kích thích, tránh tình trạng viêm họng tái phát thường xuyên.

    b, Sử dụng thuốc để điều trị viêm họng hạt

    Viêm họng hạt: Nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa - Ảnh 3.

    Sử dụng thuốc điều trị viêm họng có thể đẩy lùi triệu chứng.

Viêm họng hạt gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như đau, khô họng, khàn tiếng, có đờm… Do đó sử dụng thuốc điều trị viêm họng có thể giúp đẩy lùi các triệu chứng. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm họng hạt bao gồm:

  • Thuốc giảm ho, loãng đờm: Bromhexin, Dextromethorphan…
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin)…
  • Thuốc ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng: Penicillin, amoxicillin hoặc azithromycin…
  • Thuốc điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Cimetidin, Ranitidin, kháng sinh diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) như amoxicillin, clarythromycin, metronidazol, thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng histamin H2…

    c, Phương pháp đốt viêm họng hạt

Trong trường hợp viêm họng hạt dai dẳng, không thể điều trị dứt điểm dẫn đến mãn tính, các nang lympho phát triển với kích thước lớn và tập trung thành từng đám phù nề, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp đốt viêm họng hạt bằng laser hoặc đốt lạnh.

Phương pháp này giúp loại bỏ các lympho tăng sản ở thành họng và giảm cảm giác vướng víu, khó nuốt ở họng.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng với các nang lympho lớn, các hạt li ti không được điều trị tận gốc sẽ tiếp tục phát triển, tăng kích thước, do đó sau khi thực hiện phương pháp này, người bệnh vẫn cần kiên trì điều trị triệt để nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng hạt để tránh trường hợp tiếp tục tái phát.

    d, Biện pháp chăm sóc bệnh viêm họng hạt tại nhà

Ngoài thuốc kháng sinh, những biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của viêm họng hạt như sau:

  • Uống nhiều nước ấm để làm dịu niêm mạc họng và làm loãng đờm.
  • Nghỉ ngơi và bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể.
  • Tránh sử dụng bia rượu, các chất kích thích, hoặc ăn đồ ăn cay nóng hoặc dầu mỡ…
  • Súc miệng với nước muối loãng, ấm để xua tan cảm giác đau rát ở cổ họng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm, giảm tình trạng không khí khô trong phòng, làm dịu niêm mạc họng.

6. Phòng ngừa viêm họng hạt

Mặc dù viêm họng hạt là bệnh lý phổ biến đường hô hấp và không quá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, do có đặc trưng của bệnh là dai dẳng nên rất dễ bị khi thời tiết giao mùa hoặc tái phát dù đã điều trị kịp thời. Vì vậy, việc phòng ngừa viêm họng hạt là hoàn toàn cần thiết. 

Các biện pháp phòng ngừa viêm họng hạt:

  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp liên quan, tránh bệnh phát triển giai dẳng dẫn đến viêm họng hạt.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: đánh răng 2 lần/ngày, súc miệng với nước muối thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn trong miệng.
  • Tránh tiếp xúc hoặc sinh hoạt trong môi trường có các yếu tố kích ứng như hóa chất độc hại, khói thuốc lá, phấn hoa,...
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, đồ uống có cồn hoặc ăn các thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ.
  • Với những người có hệ miễn dịch kém, dễ bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, nên tiêm các loại vắc-xin để làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và mắc các bệnh đường hô hấp.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang có bệnh đường hô hấp để tránh lây lan virus vi khuẩn từ người sang người.
  • Bệnh nhân nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn tốt nhất.

Phương Thanh (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn