1. Viêm họng cấp là gì?
Viêm họng cấp là tình trạng viêm nhiễm ở phần niêm mạc phía sau cổ họng. Tình trạng này thường gây đau và cảm giác ngứa ngáy ở họng, cũng như khó nuốt.
Viêm họng cấp là một dạng viêm họng rất phổ biến, đặc biệt thường gặp ở các thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh do nhiễm vi-rút, hoặc hiếm hơn là nhiễm trùng do vi khuẩn. Trong phần lớn các trường hợp, bệnh thường chỉ xuất hiện trong vòng một tuần, hoặc cũng có thể kéo dài hơn một chút.
Viêm họng cấp tính được chia làm hai loại chính:
- Viêm họng đỏ: Phần lớn các trường hợp viêm họng cấp tính đều là viêm họng đỏ. Đây là một thể viêm họng do virus và các vi khuẩn trong khoang miệng gây ra, thường xuất hiện khi giao mùa hoặc vào các mùa lạnh. Viêm họng đỏ khiến cho toàn bộ phần niêm mạc họng phía trong có màu đỏ tươi, sưng, phù nề.
- Viêm họng trắng: Thể viêm họng này thường do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Viêm họng trắng rất nguy hiểm vì thường để lại các biến chứng nặng nề như thấp tim, viêm thận, viêm khớp… Khi bị viêm họng trắng, niêm mạc họng và amidan của người bệnh sẽ xuất hiện các giả mạc màu trắng khiến cho họng đau rát, khó chịu.
Phương pháp điều trị viêm họng cấp thường sẽ tập trung vào việc giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng bệnh. Nói chung, viêm họng cấp là một bệnh lý không nghiêm trọng nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời sẽ khỏi nhanh chóng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu chủ quan về các triệu chứng của bệnh viêm họng cấp, và không điều trị dứt điểm, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm ở đường hô hấp hoặc khiến cho nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm họng cấp là gì?
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm họng cấp tính. Viêm họng phổ biến nhất là do nhiễm vi rút như cảm lạnh thông thường, cúm hoặc tăng bạch cầu đơn nhân. Nhiễm vi-rút không phản ứng với thuốc kháng sinh và chỉ cần điều trị để giúp giảm các triệu chứng.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng cấp ít phổ biến hơn là nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm trùng do vi khuẩn cần dùng kháng sinh. Bệnh nhiễm trùng cổ họng do vi khuẩn phổ biến nhất là viêm họng do liên cầu nhóm A. Nguyên nhân hiếm gặp của viêm họng do vi khuẩn bao gồm: bệnh lậu, chlamydia và corynebacterium.
Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc bị viêm họng cũng làm tăng nguy cơ bị viêm họng. Điều này đặc biệt đúng đối với những người làm công việc chăm sóc sức khỏe, người gặp các vấn đề về dị ứng và thường xuyên bị nhiễm trùng xoang.
Phải sống trong môi trường hóa chất, thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng cấp.
3. Triệu chứng của viêm họng cấp
Khi bị viêm họng cấp tính thì các triệu chứng của bệnh thường bùng phát đột ngột ồ ạt và dễ nhận biết như:
- Sốt từ 38 độ C trở lên, trẻ nhỏ có thể sốt đến 40 độ C.
- Đau họng, gặp khó khăn khi nuốt, thậm chí đau khi nuốt chất lỏng hoặc nước bọt, cảm giác vướng víu trong cổ họng khi nuốt.
- Ho khan hoặc ho có đờm kèm theo nghẹt mũi.
- Amidan sưng đỏ.
- Khàn giọng hoặc mất giọng.
- Sưng các hạch vùng cổ.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
Ngoài ra viêm họng cấp còn có các triệu chứng thực thể như:
- Với thể viêm họng đỏ: niêm mạc phía trong họng sẽ có màu đỏ tươi do hiện tượng sung huyết kèm sưng hoặc phù nề. Ngoài ra có thể kèm theo tình trạng amidan bị sưng, tiết ra chất nhầy và sưng hạch vùng cổ hoặc sưng hạch hàm dưới.
- Với thể viêm họng trắng: niêm mạc họng và amidan sẽ xuất hiện các giả mạc màu trắng khiến cho họng đau rát, khó chịu. Amidan và niêm mạc họng có màu đỏ thẫm, có xuất hiện tình trạng sung huyết nhưng không bị phù nề.
4. Chẩn đoán bệnh viêm họng cấp tính
Các phương pháp chẩn đoán viêm họng cấp tính thường được bác sĩ sử dụng gồm:
- Thăm khám lâm sàng: trong quá trình thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng thực thể, kết hợp với quá trình mô tả các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Quá trình này thông thường sẽ giúp bác sĩ xác định được liệu bệnh có phải bị viêm họng cấp không và bị viêm họng cấp thể nào.
- Xét nghiệm máu: Trong quá trình thăm khám, nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để làm rõ, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
- Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: Cấy dịch cổ họng để chẩn đoán vi khuẩn. Bác sĩ sẽ quét một miếng gạc lên phía sau cổ họng của người bệnh và lấy mẫu để xét nghiệm xác định vi khuẩn gây viêm họng. Từ đó để có phương pháp điều trị phù hợp.
5. Các phương pháp điều trị viêm họng cấp tính
5.1. Sử dụng thuốc để điều trị viêm họng cấp
Trong quá trình điều trị viêm họng cấp tính, việc sử dụng thuốc sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng do virus gây ra. Ngoài ra với các trường hợp bị viêm họng do nhiễm khuẩn như liên cầu, người bệnh cần phải dùng kháng sinh để có thể chữa dứt điểm bệnh viêm họng cấp.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm họng cấp gồm:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: giúp làm giảm nhanh tình trạng sốt cao do viêm họng cấp gây ra. Một số loại thuốc thường được sử dụng phổ biến gồm: acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin), Aspirin (Không sử dụng aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi).
- Dung dịch súc miệng: giúp sát trùng, kháng khuẩn để phòng ngừa bội nhiễm, làm dịu niêm mạc họng như BBM, clorat kali 1% hoặc nước muối sinh lý.
- Thuốc xịt trị đau họng có chứa chất khử trùng gây tê như phenol.
- Kháng sinh: được sử dụng khi người bệnh bị viêm họng do vi khuẩn, các loại thuốc phổ biến như như là amoxicillin hoặc penicillin. Bác sĩ sẽ chỉ định người dùng sử dụng thuốc đều đặn trong 5-10 ngày để ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng.
5.2. Biện pháp chăm sóc viêm họng cấp tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc viêm họng cấp tại nhà giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục như:
- Nghỉ ngơi và bổ sung dưỡng chất đầy đủ.
- Uống nhiều nước ấm hoặc các loại trà ấm.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: đánh răng 2 lần/ngày; súc miệng bằng nước muối ấm.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng như phấn hoa, thuốc lá, rượu bia.
- Không ăn đồ ăn nhiều gia vị, quá cay nóng, mặn…
6. Phòng ngừa viêm họng cấp như thế nào?
Để phòng ngừa viêm họng cấp tính, cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như sau:
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ răng miệng, mũi và họng thường xuyên để ngăn ngừa virus, vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc hầu họng. Vệ sinh răng miệng đều đặn 2 lần/ngày kèm theo súc miệng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý.
- Cần chú ý giữ gìn sức khỏe, mặc ấm khi ra ngoài và hạn chế đến những nơi đông người khi thời tiết chuyển mùa.
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh hoặc có các triệu chứng của bệnh viêm họng để ngăn ngừa lây lan.