1. Viêm họng cấp ở trẻ có thể gây biến chứng nguy hiểm
Viêm họng cấp là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khi chuyển mùa. Bệnh thường tự lành và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan khi bị viêm họng cấp tính bởi nếu tình trạng viêm nhiễm tiến triển nặng thì có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng cấp là tình trạng viêm tại niêm mạc họng trong khoảng 4 tuần, thường gặp ở trẻ em nhất là khi thời tiết giao mùa.
Bệnh thường do virus gây nên (chiếm khoảng 70-80% các trường hợp). Chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp viêm họng cấp là do vi khuẩn. Thông thường bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, rát họng, nuốt đau, khó khăn khi nuốt, khan giọng, ho sổ mũi… Bệnh dễ gặp ở trẻ sức đề kháng yếu, mẫn cảm với các thay đổi thời tiết, các tác nhân gây bệnh.
Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm, nhưng lại rất dễ tái phát gây những ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nếu được điều trị đúng, kịp thời bệnh nhân sẽ khỏi nhanh chóng. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh có thể chuyển biến phức tạp và gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ: Viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
2. Điều trị viêm họng cấp ở trẻ thế nào?
Trong trường hợp viêm họng cấp với các các triệu chứng nhẹ, nên cho trẻ vệ sinh súc miệng, họng tại chỗ, chưa cần dùng đến thuốc.
Với các trường hợp nặng hơn, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dùng đúng liều lượng đã được chỉ định để đem lại hiệu quả và an toàn.
Thông thường các thuốc được sử dụng trong điều trị viêm họng cấp ở trẻ bao gồm:
2.1Thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt an toàn thường dùng là paracetamol. Dùng thuốc khi trẻ có sốt cao trên 38,5 độ C và quấy khóc nhiều. Liều khuyến cáo 10-15mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ đồng hồ. Có thể dùng ibuprofen nhưng phải được chỉ định của bác sĩ.
2.2 Bù nước và điện giải
Điều khá quan trọng bên cạnh dùng thuốc hạ sốt là bù nước và điện giải để tránh trẻ mất nước. Có thể bù nước và chất điện giải bằng dung dịch oresol. Lưu ý, pha oresol đúng theo tờ hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ dẫn của của bác sĩ.
Ngoài ra, có thể cho trẻ uống nhiều nước, sinh tố, nước cam, chanh…
2. 3 Kháng sinh
Chỉ dùng khi bệnh đã trở nặng với triệu chứng ho nhiều, sốt cao, đờm có màu xanh hoặc vàng (có dấu hiệu nhiễm khuẩn). Không tùy tiện dùng kháng sinh vì ít tác dụng với virus gây bệnh, hơn nữa còn khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và kéo dài hơn.
2.4 Thuốc nhỏ mũi
Ở trẻ viêm họng cấp, có thể dùng nước muối sinh lý 0,9 % dạng xịt/nhỏ để làm sạch mũi họng, giúp trẻ giảm các triệu chứng sụt sịt, sổ mũi.
Lưu ý, không tự ý dùng các thuốc nhỏ mũi có tính chất co mạch, do thuốc có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc.
2.5. Thuốc ho
Không dùng các thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Với trẻ nhỏ có thể dùng một số bài thuốc dân gian để giảm ho. Ở trẻ lớn trên 6 tuổi ngậm viên ngậm ho để giảm đau rát họng.
3. Lưu ý khi dùng kháng sinh trong điều trị viêm họng cấp
Hầu hết các cơn đau họng do virus sẽ tự thuyên giảm trong vòng một tuần (không dùng kháng sinh). Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị triệu chứng hoặc cho bạn những lời khuyên để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Với các trường hợp viêm họng cấp do vi khuẩn thì việc dùng kháng sinh là cần thiết. Thuốc kháng sinh giúp ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, giúp nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh. Thông thường các thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị viêm họng cấp gồm amoxicillin, erythromycin, cephalexin...
Tuy nhiên, chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh điều trị viêm họng cấp:
- Không tự ý dùng kháng sinh trị viêm họng cấp, vì có thể gây kháng kháng sinh và tác dụng phụ nguy hiểm: Phát ban, tiêu chảy, tổn thương đại tràng, thậm chí tử vong.
- Với viêm họng do vi khuẩn, kháng sinh nên được sử dụng ngay từ sớm.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
- Dùng kháng sinh đúng, đủ liều.
- Tuyệt đối không được ngừng dùng thuốc kháng sinh khi thấy triệu chứng giảm bớt. Điều này rất nguy hiểm, vì lúc này vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết có thể quay trở lại tấn công và tiếp tục gây viêm họng, khiến cho quá trình điều trị lâu hơn, phức tạp hơn. Thậm chí có thể khiến vi khuẩn kháng kháng sinh.
- Khi uống kháng sinh, nếu có các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
4. Làm gì để phòng tránh viêm họng cấp ở trẻ lúc giao mùa?
Để tránh mắc viêm họng cấp lúc giao mùa, nên thực hiện:
- Giữ ấm cho trẻ, nhất là cổ, ngực, lòng bàn chân.
- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng đủ chất.
- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất, nhiều rau xanh, hoa quả tươi, uống nước cam, chanh, dưa hấu, không nên uống nước lạnh…
- Giữ vệ sinh cá nhân; súc miệng, họng bằng nước muối ấm.
- Tránh khói thuốc, bụi; đeo khẩu trang khi ra đường.
- Giữ nhà ở thoáng mát, tránh ẩm thấp.
- Tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm hỏng răng bạn.