Viêm hạch ở trẻ

08-07-2010 14:21 | Đời sống
google news

Hạch bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, có nhiệm vụ lọc các tác nhân gây bệnh vi trùng, vi sinh vật, virut.

Con trai tôi 6 tuổi, mấy tuần nay cháu bị sưng đau ở cổ, sau tai trái, đi khám bác sĩ bảo bị viêm hạch, uống thuốc thấy đỡ. Cách đây vài ngày cháu bị lại nhưng chỗ sưng xích xuống phía dưới hàm trái (giống như quai bị). Bệnh có nguy hiểm gì cho cháu hiện tại và về sau?

Triệu Thị Hoa  (Cao Bằng)

Hạch bạch huyết như “những người lính gác” được phân bố khắp nơi trong cơ thể người. Có 500 - 600 hạch bạch huyết hiện diện ở cổ, nách, thượng đòn, dọc các tĩnh mạch đùi, bẹn, hạch mạc treo ruột, hạch trung thất (nằm trong vùng ngực), hạch trong ổ bụng...

 Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.Ảnh: K.Hoàng

Hạch bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, có nhiệm vụ lọc các tác nhân gây bệnh vi trùng, vi sinh vật, virut.

Hạch bạch huyết bình thường có kích thước nhỏ từ vài milimét đến khoảng 2cm, thường không đau, không nhạy cảm khi sờ.

Trong trường hợp cơ thể bị viêm, nhiễm trùng, “những người lính gác” sẽ làm nhiệm vụ chống đỡ, kháng cự với tác nhân gây bệnh và vì thế các hạch bạch huyết vùng lân cận sẽ phản ứng to, đau.

Viêm hạch có thể do siêu vi trùng gây ra, cũng có thể do vi trùng lao. Một số trường hợp trẻ có viêm amiđan, viêm tai, viêm xoang, các hạch vùng quanh tai, dưới cằm và quanh cổ cũng to ra và hơi đau, nhưng sau khi điều trị các bệnh lý trên, hạch vùng lân cận sẽ nhỏ lại, hết đau.

Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ hướng đến trường hợp nhiễm siêu vi khi trẻ có ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi, trẻ có thể có nổi hạch quanh vùng cổ, dưới hàm, những hạch này thường không đau, kích thước nhỏ, di động.

Trường hợp viêm hạch nhiễm trùng, trẻ sẽ có sốt cao, hạch sưng to, đỏ, nóng đau, có thể bị áp xe do có mủ bên trong hạch hay bị rò mủ ra ngoài. Trẻ cần được trị liệu với kháng sinh thích hợp, khoảng 7-10 ngày sẽ khỏi bệnh và không để lại di chứng gì. Nếu có tụ mủ, trẻ sẽ được rạch và dẫn lưu mủ.

Bệnh không nguy hiểm nếu trẻ được khám và chữa trị kịp thời. Ngược lại, nếu trẻ không được điều trị, vi trùng sẽ lan vào máu gây nhiễm trùng toàn thân, nguy hiểm cho tính mạng. Do vậy, chị nên đưa con đi khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Đức


Ý kiến của bạn