Những thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học khi đó chỉ mới biết viêm gan A và viêm gan B, mãi đến năm 1989 kéo dài đến năm 2000, khoa học mới xác định được viêm gan siêu vi C và có những hướng điều trị cụ thể.
Nếu viêm gan siêu vi A có biểu hiện vàng da, vàng mắt dữ dội nhưng không để lại biến chứng, cùng với viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C có diễn tiến âm thầm nhưng có thể dẫn đến xơ gan và có nguy cơ ung thư gan. Chính điều này khiến nhiều người cảm thấy rất lo lắng khi được chẩn đoán viêm gan, có người mất hẳn tinh thần, chỉ nghĩ đến chuyện tử vong.
Siêu vi C là loại virus chỉ có một sợi gien di truyền ADN, khác với siêu vi B có 2 sợi ADN. Hiện trên thế giới có khoảng 170 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C, trong đó châu Á khoảng 95 triệu người nhiễm. Tỷ lệ lưu hành tại Việt Nam cũng rất cao, chiếm gần 3%.
Âm thầm ít triệu chứng
Siêu vi C không có triệu chứng ban đầu nên chỉ được phát hiện một cách tình cờ. Siêu vi C chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêm chích (chủ yếu là tiêm chích ma túy), ngoài ra còn có theo dụng cụ y khoa qua đường truyền máu, tuy nhiên, từ năm 1989 khi đã xác định được viêm gan siêu vi C , việc tầm soát trong truyền máu đã được khống chế tốt, đường nhiễm chủ yếu còn lại vẫn là tiêm chích. Virus C đi vào máu theo kim tiêm và sở dĩ người tiêm ma túy dễ nhiễm viêm gan C vì họ sử dụng cùng một kim tiêm, chỉ cần một người nhiễm virus, những người còn lại chắc chắn sẽ bị.
Triệu chứng nhiễm siêu vi gần như giống nhau, biểu hiện thường thấy là cúm, mệt mỏi, ăn uống kém. Nhưng đối với siêu vi B hay siêu vi C, trước khi xuất hiện triệu chứng khoảng 10 ngày - 2 tuần sẽ có tình trạng cảm cúm, song tới vàng da, hết cúm và không mệt mỏi. Triệu chứng của viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C giống nhau, hoặc cả hai đều không có triệu chứng, chính vì thế việc tầm soát chủ động luôn cần thiết nhằm phát hiện bệnh chính xác đã mắc viêm gan B hay viêm gan C.
Vì thiếu hiểu biết, nên khi cộng đồng hoặc trong gia đình có người dương tính với viêm gan siêu vi C, người này bị cách ly vì sợ bị lây nhiễm. Đây là việc làm sai bởi viêm gan siêu vi C không lây qua đường tiêu hóa hay đường hô hấp, tức không lây khi ho, hắt hơi, ăn uống cùng, mà chỉ lây qua truyền máu, tiêm chích, quan hệ tình dục, trong đó việc quan hệ tình dục được xem là sẽ có nguy cơ lây nhiễm, chính vì vậy người nhiễm viêm gan siêu vi C chưa điều trị khỏi mà có quan hệ tình dục thì nên dùng bao cao su. Hiện nay việc xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi C đã có thể được thực hiện một cách dễ dàng tại tất cả các cơ sở y tế trong cả nước với chi phí tầm soát rất thấp.
-Viêm gan A, viêm gan B, và viêm gan C là những bệnh do 3 loại virus khác nhau gây ra. Mặc dù 3 loại viêm gan này có một số triệu chứng giống nhau, nhưng chúng có những kiểu lây truyền khác nhau và ảnh hướng tới gan khác nhau.
-Viêm gan A chỉ xảy ra cấp tính và là nhiễm trùng mới mắc phải, không trở thành mạn tính. Người bị viêm gan A thường khỏi bệnh mà không phải điều trị. Viêm gan B và viêm gan C có thể cũng bắt đầu biểu hiện như nhiễm trùng cấp tính, nhưng ở một số người virus sẽ còn duy trì trong cơ thể, hệ quả là bệnh chuyển thành mạn tính cùng những vấn đề lâu dài đối với gan.
Điều trị có khỏi không?
Hiện viêm gan siêu vi B đã có vắcxin phòng bệnh, riêng viêm gan siêu vi C vẫn chưa có vắcxin phòng ngừa; cả hai đều có thuốc điều trị từ 20 năm nay, tuy thế viêm gan B phải điều trị lâu dài, tỷ lệ thành công không cao bằng điều trị viêm gan siêu vi C. Với viêm gan C chỉ cần điều trị thời gian ngắn và khi đã điều trị khỏi cũng đồng nghĩa với việc đề phòng được tình trạng lây nhiễm loại virus này.
Trước các bác sĩ dùng thuốc tiêm, trị trong 48 tuần; 5 năm trở lại đây, viêm gan C đã có phác đồ của Bộ Y tế với các loại thuốc uống (điều trị ức chế virus trực tiếp, uống 1 viên/ngày) chỉ điều trị trong 3 tháng với hiệu quả lên đến 99%. Người bệnh khi uống thuốc chỉ bị mệt mỏi vài ngày sau đó quen dần.
Việc điều trị viêm gan siêu vi C chẳng những ngừa được xơ gan, nguy cơ ung thư gan mà còn làm triệt tiêu khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Người nhiễm viêm gan siêu vi C không được điều trị sẽ có nguy cơ xơ gan gấp 20 lần những người không bị nhiễm. Đặc biệt người nhiễm viêm gan siêu vi C kèm uống rượu bia, sẽ tăng khả năng xơ gan lên gấp 100 lần so với người bình thường.
Nhiều người mang tâm lý lo sợ không dám khám bệnh vì sợ “lòi” ra bệnh, tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều loại bệnh, trong đó có viêm gan siêu vi C, nếu phát hiện sớm sẽ điều trị rất hiệu quả. Với viêm gan siêu vi C, việc tầm soát không định lượng được virus siêu vi C mà phải làm thêm kháng thể Anti-HCV. Khi nhiễm siêu vi C cơ thể tạo ra kháng thể Anti-HCV. Anti-HCV dương tính có nghĩa là đã nhiễm, nhưng đến nay còn virus hay không còn phải xét nghiệm định lượng, nếu định lượng dương tính và trên ngưỡng có nghĩa là đã nhiễm và vẫn còn nhiễm (sẽ điều trị); nếu dưới ngưỡng đã nhiễm nhưng hiện tại đã hết bệnh.
Tại sao viêm gan siêu vi C đến nay vẫn chưa có vắcxin, câu trả lời là do mỗi lần con siêu vi mẹ đẻ ra siêu vi con bộ gien tạo ra vắcxin sẽ khác đi. Mỗi lần như vậy đều thay đổi cho nên vắcxin chào thua.
Kinh phí điều trị có phải đáng lưu tâm?
Trước đây khi dùng thuốc tiêm, phác đồ điều trị 48 tuần khoảng gần 200 triệu đồng, đây là kinh phí rất lớn so với nhiều người. Trong khi hiện nay một lọ thuốc uống dùng 28 ngày có giá khoảng 5 - 10 triệu đồng tùy theo mỗi loại thuốc.
Người mắc bệnh viêm gan siêu vi C sẽ có kháng thể Anti-HCV suốt đời. Sau khi uống thuốc 3 tháng, rồi 6 tháng phải đi xét nghiệm lại. Nhiều người phát hoảng khi xét nghiệm kháng thể và thấy còn Anti-HCV dương tính, đây là chuyện rất bình thường, do đó cần đo tải lượng viêm gan siêu vi C để đánh giá chính xác virus trong cơ thể trên ngưỡng hay dưới ngưỡng. Nếu đo tải lượng cho kết quả virus dưới ngưỡng thì việc uống thuốc đã có kết quả.
Những người đã điều trị thành công không đồng nghĩa với việc không tái phát, thực tế vẫn có một số ít bệnh nhân tái phát do một số nguyên nhân, trong đó có cả không rõ nguyên nhân. Chính vì thế, dù đã điều trị nhưng nếu thấy có những triệu chứng vàng da, mệt mỏi, sốt người bệnh cần đi khám để được tìm hiểu nguyên nhân.