Hiện có rất ít người quan tâm đến viêm gan do siêu vi C (HCV) so với viêm gan do siêu vi B (HBV). Nhưng theo TS. BS Phạm Thị Lê Hoa – Trưởng phòng khám gan, BV. Đại học y dược TP. HCM, viêm gan siêu vi C nguy hiểm không kém vì viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị sớm, đúng cách và kiên trì thì có thể chữa thành công trên 50% trường hợp.
Khả năng lây nhiễm cao
HCV (Hepatitis C virus) là một loại virút (siêu vi) có khuynh hướng xâm nhập tế bào gan, gây ra bệnh viêm gan. Sau khi HCV xâm nhập cơ thể, chúng sẽ đi đến gan và tại đó, siêu vi bắt đầu sinh sôi nảy nở. Diễn tiến của bệnh thường theo một lộ trình đi từ cấp tính (thời gian bệnh ngắn hơn 6 tháng) đến mạn tính (bệnh kéo dài trên 6 tháng). Những trường hợp mạn tính là do đa số bệnh nhân không có khả năng tự loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể. Người ta ước lượng có đến 80% những người bị nhiễm HCV thì bệnh sẽ tiếp tục phát triển sang tình trạng mang HCV mạn tính và ít nhất có 20% của nhóm người này bệnh sẽ tiếp tục chuyển sang xơ gan sau 20 năm nhiễm bệnh. Hiện nay, dự báo có khoảng 4% dân số Việt Nam (khoảng 3,4 triệu người trong tổng số 85 triệu người) đang mang HCV trong cơ thể và con số này còn đang có khuynh hướng gia tăng.
TS.BS. Phạm Thị Lệ Hoa cho biết, HCV có khả năng lây nhiễm gấp nhiều lần so với HIV (loại siêu vi gây bệnh AIDS) và có thể lan truyền qua máu và dịch thể có nhiễm siêu vi C. Có nhiều đường lây bệnh: lây nhiễm do truyền từ máu hay trong lúc sinh từ mẹ sang con, lây qua các dụng cụ như: bơm kim tiêm, dụng cụ nội soi, kim châm cứu, kềm cắt móng tay…
Tự mua thuốc điều trị là tự… giết mình!
Theo TS. Phạm Thị Lệ Hoa, đa số bệnh nhân (BN) sẽ không có khả năng tự loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể và họ sẽ trở thành người nhiễm HCV mạn tính. Trong số đó, 25% BN có men gan hoàn toàn bình thường trong nhiều năm và họ được gọi là người mang siêu vi C mạn tính không triệu chứng. Số BN còn lại có viêm gan mạn tính tiến triển chậm, men gan có lúc tăng, lúc giảm về bình thường. Do vậy, BN thường chủ quan không chịu theo dõi bệnh thường xuyên.
TS. Hoa cho biết thêm, rất nhiều BN khi có được toa thuốc điều trị của bác sĩ thì tự mua thuốc để chích và uống mà không tái khám định kỳ theo chỉ định. Đây là sai lầm rất nghiêm trọng của người bệnh HCV bởi thuốc điều trị HCV đáp ứng khác nhau tùy từng người và có thể có nhiều tác dụng phụ. Bác sĩ phải kiểm tra kỹ và thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp với từng BN. Khi dùng thuốc, có thể có tác dụng phụ về tâm thần kinh (nếu nặng phải ngừng thuốc), có thể giảm bạch cầu, gây tán huyết, chảy máu và dẫn đến tử vong. Những tác dụng phụ này cũng khiến cho tỉ lệ BN bỏ điều trị tăng cao. Vì thế, nếu người bệnh tự mua thuốc uống là đang tự giết mình.
Gánh nặng không của riêng người bệnh
Điều trị sớm đặc biệt quan trọng trong bệnh viêm gan siêu vi C vì tỷ lệ đáp ứng giảm đáng kể theo thời gian. Nếu tỷ lệ thành công trong điều trị viêm gan siêu vi C cấp tính có thể là trên 90%, thì tỷ lệ điều trị thành công sẽ giảm đi 8% mỗi năm nếu để bệnh kéo dài và chuyển sang mạn tính. Tuy nhiên, do những dấu hiệu của bệnh rất mờ nhạt, thậm chí là không có biểu hiện gì, có khoảng 60% nhiễm HCV không có triệu chứng, nên người bệnh khó nhận biết mình đang bị nhiễm siêu vi C.
Thêm vào đó, chi phí điều trị cao cũng đang là gánh nặng lớn cho người mắc bệnh HCV. Nếu tính trung bình mỗi tháng chi phí cho việc điều trị theo đúng phác đồ cho một người bệnh HCV lên đến khoảng 20 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với đại đa số người dân. Trong khi đó, thời gian điều trị bệnh thường kéo dài từ 6 – 12 tháng, có một số BN đáp ứng thuốc chậm phải điều trị 18 tháng. Đây là một trong những lý do khiến BN nản chí và không tiếp tục điều trị bệnh đến cùng.
Tất cả những lý do trên khiến cho bệnh viêm gan C khó bị đẩy lùi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc, cuộc sống, thậm chí là tính mạng của BN. Bên cạnh đó, khi BN không được điều trị dứt, sẽ tạo nguy cơ lây lan sang người khác, góp phần gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh viêm gan C trong cộng đồng. Đó không chỉ là nỗi lo cho gia đình BN mà còn là gánh nặng của toàn xã hội, và việc chung tay hành động để đẩy lùi căn bệnh này là điều rất cấp bách hiện nay.
MINH ANH