Viêm gan mạn tính là vấn đề y tế nghiêm trọng

01-06-2015 07:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 29/5/2015, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan virut giai đoạn 2015-2019.

Ngày 29/5/2015, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan virut giai đoạn 2015-2019. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế PGS.TS. Trần Đắc Phu đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống xung quanh vấn đề này.

PGS.TS. Trần Đắc Phu.

PV: Thưa ông, viêm gan virut không phải là một căn bệnh truyền nhiễm mới lạ. Vì sao đến thời điểm này chúng ta lại cần đến một kế hoạch phòng chống cấp quốc gia? Phải chăng do tình hình dịch tễ trở nên nghiêm trọng?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bệnh viêm gan virut là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan virut. Trong 5 loại virut viêm gan, virut viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2010, nguyên nhân tử vong có liên quan đến virut viêm gan đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm gây ra.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B và viêm gan C cao. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm virut viêm gan của một số nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với virut viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với virut viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virut viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Tình hình nhiễm virut viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam có tỷ lệ từ 10 - 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm virut viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.

Như vậy, nhiễm virut viêm gan, đặc biệt là virut viêm gan B và viêm gan C đang là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân trên phạm vi toàn cầu, trong đó, nước ta đang có sự lưu hành ở mức cao. Tuy nhiên, do đặc điểm lâm sàng của bệnh viêm gan virut chủ yếu diễn biến một cách âm thầm, các triệu chứng trong giai đoạn cấp thường nhẹ hoặc khó phát hiện nên không tạo được sự chú ý của người bệnh và dễ bị bỏ qua, không tạo được sự quan tâm đúng mức của toàn xã hội. Đây không chỉ là vấn đề của nước ta mà là vấn đề chung trên phạm vi toàn cầu, do đó, ngày 24/5/2014, Đại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua Nghị quyết WHA 67.6 về việc triển khai đồng bộ các can thiệp về viêm gan kêu gọi tất cả các nước trên thế giới xây dựng kế hoạch tổng thể cùng các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống viêm gan tại từng quốc gia và Việt Nam là một trong những nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phê duyệt sớm Kế hoạch quốc gia phòng chống viêm gan virut.

Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B là cách tốt để phòng bệnh. Ảnh: TM

PV: Thưa ông, được biết tiêm chủng là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống viêm gan B, vắc-xin viêm gan B cũng đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vậy tại sao tình trạng nhiễm virut viêm gan B ở ta vẫn cao như vậy?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Như đã nói ở trên, tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B ở nước ta khá cao kể cả ở phụ nữ mang thai và có nguy cơ lây truyền cho con trong quá trình sinh đẻ và chăm sóc sau sinh. 90% trẻ nhiễm virut viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virut viêm gan B mạn tính. Sự lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ; do đó, WHO đã khuyến cáo các quốc gia cần đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu đạt trên 95% (lý tưởng nhất là đạt 100%) nhằm mục đích ngăn ngừa lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con vì nếu trẻ được tiêm vắc-xin muộn trên 24 giờ sau sinh thì hiệu lực vắc-xin phòng lây truyền từ mẹ sang con cũng rất thấp. Việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu được bắt đầu triển khai ở nước ta từ năm 2006, mặc dù tỷ lệ này đã đạt tới 74% vào năm 2012 nhưng đã giảm xuống còn 55,4% vào năm 2014 do tâm lý của bố mẹ cũng như cán bộ y tế lo sợ về tai biến của vắc-xin mặc dù kết quả điều tra các tai biến xảy ra trong năm 2013 không liên quan đến vắc-xin. Tỷ lệ này là rất thấp so với khuyến cáo của WHO và có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B của trẻ em nước ta trong những năm tới nếu các gia đình vẫn e ngại việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu.

Thêm vào đó, chúng ta cũng có rất nhiều người trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiễm virut viêm gan B như người tiêm chích ma túy, người chạy thận nhân tạo, người có hành vi tình dục nguy cơ cao, người chưa có miễn dịch và tiếp xúc gần gũi với người nhiễm virut viêm gan B…, chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh viêm gan virut và thực hiện các biện pháp dự phòng phù hợp nên sự lưu hành virut viêm gan, đặc biệt là viêm gan B, viêm gan C còn khá phổ biến ở nước ta.

PV: Vậy theo ông, trước hết, chúng ta cần phải hành động thế nào để giảm thấp tỷ lệ nhiễm virut viêm gan?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Để có được kết quả như mong muốn, trước hết, chúng ta cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành vi đối với sự nguy hiểm của bệnh viêm gan virut và áp dụng các biện pháp dự phòng. Việc chuyển biến này trước hết là từ các nhà hoạch định chính sách, chính quyền các cấp, các cán bộ y tế và tiếp đó là sự hưởng ứng của người dân. Bệnh viêm gan virut trong đó đặc biệt là viêm gan B và viêm gan C có đường lây truyền giống như HIV và hoàn toàn có thể dự phòng được, do đó, nếu chúng ta huy động được toàn thể xã hội quan tâm đầu tư kinh phí và hưởng ứng áp dụng các biện pháp phòng bệnh thì chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được bệnh viêm gan virut như chúng ta đã thành công trong việc khống chế đại dịch HIV/AIDS.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thúy (thực hiện)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn