Gân bánh chè là cấu trúc giải phẫu nối giữa xương bánh chè và xương cẳng chân (xương chày). Viêm gân bánh chè thường xảy ra khi có sự vận động quá mức ở bộ phận này.
Các yếu tố thuận lợi cho viêm gân bánh chè
Tình trạng quá tải của gối: vận động liên tục, kéo dài, khởi động trước khi tập luyện không đủ thời gian; Do chấn thương; Tuổi tác (thường gặp ở người trung niên); Yếu tố bệnh lý: dễ gặp ở người có bệnh lý hệ cơ xương khớp mạn tính như gút, viêm khớp dạng thấp... Bệnh cũng có thể gặp ở người có đặc điểm giải phẫu bất thường như xương bánh chè lên cao, chân lệch trục... Các yếu tố khác như: thể trạng quá béo, tình trạng hai chân không khỏe bằng nhau dẫn đến sự quá tải ở một chân...
Biểu hiện của viêm gân bánh chè
Dấu hiệu chính là đau. Đau nằm ở vị trí trước gối nơi gân bị viêm, đau ngày càng tăng dần, âm ỉ, hiếm khi là đau kinh khủng. Đau tăng khi vận động gấp duỗi gối như khi thực hiện các động tác: leo cầu thang, ngồi xổm. Đau có tính chất chu kỳ, đi từ đau liên tục, sau đó đến đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng lên, tiến triển của bệnh có thể nhiều tháng. Viêm gân có thể tiến triển theo hướng khỏi tự nhiên hoặc trở thành mạn tính. Có trường hợp đứt gân do viêm là những biến chứng tuy hiếm nhưng rất nặng: có thể gặp đứt gân bánh chè hay đứt gân cơ tứ đầu đùi. Triệu chứng khi đó biểu hiện bằng đau tăng đột ngột sau một cú nhảy... đồng thời mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ.
Nếu các triệu chứng đau không giảm hoặc nặng hơn, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt hoặc xuất hiện tình trạng sưng nề, tấy đỏ thì bạn cần phải đến khám và tư vấn ngay với bác sĩ.
Phát hiện bệnh thế nào?
Việc chẩn đoán dựa vào thăm khám lâm sàng là chính, một số trường hợp cần phải thực hiện thêm các thăm khám cận lâm sàng khác như chụp Xquang, siêu âm khớp gối hoặc chụp cộng hưởng từ khớp gối. Tuy nhiên, các biện pháp này chủ yếu nhằm mục đích loại trừ đau do các nguyên nhân khác như các tổn thương sụn chêm, dây chằng, tổn thương thoái hóa khớp...
Biện pháp điều trị
Việc điều trị viêm gân bánh chè có thể kéo dài và phức tạp tùy theo mức độ tổn thương. Một số trường hợp nặng khả năng cải thiện có thể không cao, đặc biệt là nếu xảy ra biến chứng đứt gân. Vì vậy, cần thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ sớm khi các triệu chứng mới khởi phát thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.
Người bệnh không cần nghỉ ngơi hoàn toàn. Thực tế, nghỉ hoàn toàn có hại hơn là có lợi. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho teo cơ và giảm thời gian phục hồi chức năng. Thường chỉ định cho nghỉ phù hợp với thời gian đau. Để giảm bớt gánh nặng cho gân phải dùng nạng để đi lại, có khi phải dùng cả nẹp gối nhằm mục đích cho khớp gối nghỉ ngơi.
Điều trị bằng thuốc: Các thuốc chống viêm giảm đau, không cortisone có tác dụng lên gân cơ tứ đầu và gân bánh chè. Chỉ định dùng thuốc trong những trường hợp cấp tính, ngược lại trong trường hợp mạn tính, nó không có tác dụng nhiều. Sử dụng thuốc ở các dạng khác nhau: viên, gel hay kem bôi bên ngoài... Điều trị chích thuốc bằng nhiều mũi nhỏ (mésothérapie) kết quả không ổn định. Người ta thường phải phối hợp thuốc chống viêm, thuốc giãn mạch và thuốc tê. Phần lớn các trường hợp lại cho kết quả tốt.
Phục hồi chức năng là một trong những điều trị quan trọng của viêm gân. Biện pháp vật lý trị liệu (siêu âm, sóng ngắn, laser...) xoa bóp, tăng vận động cơ, kéo dài cơ cũng có tác dụng tốt.
Viêm gân bánh chè rất ít khi phải phẫu thuật, chỉ định tuyệt đối trong trường hợp có biến chứng đứt gân. Chỉ định trong trường hợp thất bại khi điều trị nội khoa kéo dài không kết quả. Đặc biệt là đau kéo dài và cản trở hoạt động thể thao.
ThS. Trần Trung Dũng