(Tiếp theo kỳ trước)
Viêm gan B cũng lây qua chiều dọc - tức là từ mẹ sang con (lây truyền chu sinh).
Lây truyền chu sinh
Tỉ lệ nhiễm ở trẻ nhũ nhi có mẹ HBeAg dương tính không nhận được bất kì hình thức dự phòng nào lên tới 90%. Lây truyền mẹ - con có thể xảy ra trong tử cung, khi sinh hoặc sau khi sinh. Hiệu quả bảo vệ cao (95%) của việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh gợi ý rằng hầu hết nhiễm xảy ra khi sinh, khi dịch tiết trong ống đẻ của mẹ tiếp xúc với niêm mạc của trẻ. Việc dự phòng lây truyền có thể làm giảm tỉ lệ lây truyền từ 90% xuống còn 5 - 10% (WHO, 2016).
Viêm gan B cũng lây từ mẹ sang con
Khả năng lây nhiễm trở thành mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh. Tuổi càng nhỏ thì nguy cơ nhiễm mạn tính càng cao (WHO, 2016).
Độ tuổi | Tỉ lệ lây nhiễm trở thành mạn tính (%) |
Trẻ dưới 1 tuổi | 80 - 90 |
Trẻ dưới 6 tuổi | 30-50 |
Người lớn khỏe mạnh | < 5 |
Khoảng 20 - 30% người trưởng thành bị nhiễm mạn tính sẽ phát triển xơ gan và / hoặc ung thư gan.
Các yếu tố nguy cơ lây truyền chu sinh
Yếu tố nguy cơ lây truyền quan trọng nhất là sự nhân lên liên tục của virút và tải lượng virút HBV của mẹ cao:
- Trong một nghiên cứu loạt trường hợp, lây truyền gặp ở 85 - 90% trẻ có mẹ HBeAg dương tính và 32% trẻ có mẹ HBeAg âm tính không được dự phòng.
- Những trẻ có mẹ HBeAg dương tính vẫn có nguy cơ nhiễm HBV cho dù được tiêm vắcxin và HBIG (khoảng 9% trong một nghiên cứu thuần tập lớn).
- Nồng độ HBV DNA huyết thanh mẹ cũng tương quan với nguy cơ lây truyền. Lây truyền dọc viêm gan B xảy ra ở 9 - 39% trẻ có mẹ tải lượng virút cao (≥ 8 log10 bản sao/mL và có thể > 6 log10 bản sao/mL), cho dù có tiêm vắc xin sau sinh.
Lây truyền qua nhau thai và lây truyền do các thủ thuật sản khoa là những nguyên nhân ít gặp hơn, còn bú mẹ dường như không phải là nguy cơ đáng kể. Dựa theo khuyến cáo của CDC và WHO, tất cả những bà mẹ bị nhiễm HBV đều được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ do những lợi ích mang lại vượt trên nguy cơ lây truyền virút qua sữa mẹ. Thêm vào đó, hầu như tất cả trẻ đều được tiêm ngừa khi sinh thì nguy cơ lây truyền còn thấp hơn nhiều. Những bà mẹ có ý định cho con bú thì không nên trì hoãn cho đến khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Bà mẹ bị viêm gan B mạn tính đang cho con bú cũng cần phải tập chăm sóc phòng ngừa chảy máu khi nứt núm vú.
Chưa hoàn toàn rõ về lợi ích của sinh mổ trong việc bảo vệ phòng tránh lây truyền. Không nên để tình trạng HBV của người mẹ ảnh hưởng đến quyết định sản khoa.
Dự phòng lây truyền chu sinh
Cần làm xét nghiệm HBsAg cho tất cả phụ nữ đến khám thai lần đầu và làm lại lúc cuối thai kỳ cho những người có nguy cơ cao bị nhiễm HBV.
WHO khuyến cáo tất cả trẻ em đều được chủng ngừa viêm gan siêu vi B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Vắcxin có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, sự phát triển của bệnh ung thư và viêm gan mạn tính do viêm gan B; bảo vệ kéo dài ít nhất là 20 năm và có lẽ suốt đời. Vì vậy, WHO không khuyến cáo tiêm chủng nhắc lại cho người đã hoàn thành lịch trình tiêm chủng 3 liều (WHO, 2016).
Trẻ sơ sinh có mẹ mang HBV sẽ được tiêm chủng gây miễn dịch thụ động - chủ động bằng cách tiêm HBIG lúc mới sinh, sau đó là tiêm thường quy loạt ba liều vắcxin HBV tái tổ hợp trong 6 tháng đầu đời.
Những người mẹ có nồng độ HBV DNA cao nên được điều trị kháng virút, vì nó có thể làm giảm hơn nữa nguy cơ lây truyền chu sinh. Tuy nhiên, cần có thêm dữ liệu để làm rõ ngưỡng HBV DNA khuyến cáo điều trị kháng virút cho phụ nữ mang thai có HBV mạn tính. Nói chung, khi cho thuốc dự phòng ở những phụ nữ có nồng độ virút cao (≥ 8 log10 U/mL), có thể cân nhắc khi nồng độ virút thấp hơn (từ khoảng 6 log10 U/mL). Tốt nhất nên bắt đầu điều trị 6 - 8 tuần trước khi sinh để cho phép có đủ thời gian làm giảm nồng độ HBV DNA.
Lựa chọn thuốc dự phòng:
- Trong số các thuốc uống hiện có, telbivudine và tenofovir là thuốc nhóm B trong thai kỳ, trong khi các thuốc khác thuộc nhóm C.
- Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, dữ liệu còn hạn chế trên người cho thấy trẻ phơi nhiễm với tenofovir hoặc lamivudine trong ba tháng đầu thai kỳ không thấy khác biệt gì về tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sinh sống so với quần thể chung.
- Tenofovir được ưu tiên hơn lamivudine, vì rào cản đề kháng cao hơn và những bà mẹ trẻ này có thể cần điều trị kháng virút cho bệnh gan của mình trong tương lai.