Viêm đường tiết niệu là bệnh lý gây ra do vi khuẩn, virus, nấm trong đường tiết niệu. Bệnh có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Khi mắc viêm đường tiết niệu bệnh nhân cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Biểu hiện viêm đường tiết niệu
Dấu hiệu cảnh báo viêm đường tiết niệu ở cả nam và nữ có thể gặp:
- Tiểu nhiều: cảm giác buồn đi tiểu liên tục, mỗi lần đi tiểu được ít
- Tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu gấp
- Đau vùng bụng dưới nhất là khi đi tiểu
- Nước tiểu đục, có thể lẫn máu, mùi khai
- Đau vùng hông lưng
- Cảm thấy buồn nôn, nôn, sốt cao, ớn lạnh.
ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng thông tin một số nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu.
Vì sao bị viêm đường tiết niệu?
Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu ở nam và nữ khác nhau. Một số nguyên nhân dẫn tới viêm đường tiết niệu bao gồm:
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở nữ giới:
- Quan hệ tình dục không lành mạnh. Vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc trước và sau khi quan hệ không vệ sinh vùng kín. Thói quen thường xuyên nhịn tiểu khiến vi khuẩn sinh sôi và xâm nhập gây viêm nhiễm.
- Sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng hoặc trong chu kỳ không thay băng vệ sinh thường xuyên (sau khoảng 3-4 tiếng/lần).
- Một số yếu tố khác như: phụ nữ mang thai, hẹp niệu quản, sỏi đường tiết niệu...
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở nam giới:
- Chấn thương dương vật gây kích thích niệu đạo dẫn đến viêm niệu đạo.
- Một số bệnh lý mắc phải như viêm quy đầu, da quy đầu do thói quen vệ sinh chưa đúng cách,
- Các yếu tố khác như: phì đại tiền liệt tuyến, sỏi, hẹp niệu đạo, bàng quang thần kinh.
Làm sao để viêm đường tiết niệu nhanh khỏi?
Khi mắc viêm đường tiết niệu, bệnh nhân cần lưu ý:
- Vệ sinh đúng cách.
- Quan hệ tình dục an toàn. Trong đợt cấp bệnh nhân nên kiêng quan hệ tình dục và lưu ý cần điều trị cả bạn tình.
- Điều trị các bệnh lý liên quan gây viêm đường tiết niệu.
Hầu hết viêm đường tiết niệu được điều trị hiệu quả bằng phương pháp nội khoa. Trường hợp nặng người bệnh cần nhập viện để điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch.
Viêm đường tiết niệu có dễ tái phát không?
Viêm đường tiết niệu rất dễ mắc và dễ tái phát. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi cũng như ở cả nam và nữ.
Những thói quen sinh hoạt dễ gây viêm đường tiết niệu hoặc khiến bệnh tái phát bao gồm:
- Vệ sinh không đúng cách
- Quan hệ tình dục không lành mạnh
- Thói quen uống không đủ nước, nhịn tiểu
- Chế độ ăn uống không phù hợp: ăn ít rau, hoa quả, ăn mặn, nhiều đạm
Viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm liên quan đến sức khỏe người bệnh như:
- Gây suy giảm chức năng thận do ổ viêm làm tế bào thận bị xơ hóa.
- Khiến đường tiết niệu bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí không có khả năng khôi phục chức năng đường tiết niệu.
- Gây ảnh hưởng tới đường sinh sản, nhất là ở nữ giới. Nếu viêm nhiễm có thể làm tắc nghẽn buồng trứng từ đó gây khó khăn cho việc thụ thai và làm tăng nguy cơ bị vô sinh. Còn ở nam giới, viêm đường tiết niệu có thể dẫn đến viêm tính hoàn, viêm mào tinh, áp xe tiền liệt tuyến dẫn đến bít tắc ống dẫn tinh và làm tăng nguy cơ vô sinh.
- Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Đây là biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
- Ảnh hưởng đến thai kỳ: Viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng nước ối, gây sinh non, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Gây hẹp niệu đạo ở nam giới do quá trình viêm nhiễm tạo sẹo ở niệu đạo, khiến quá trình đi tiểu tiện gặp khó khăn, đau nhức khó chịu.
- Suy giảm đời sống tình dục. Do viêm đường tiết niệu sẽ khiến bệnh nhân đau nhức âm đạo và đau tức dương vật.
Phòng viêm đường tiết niệu bằng cách nào?
Khi có các biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng như được kê đơn. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị hoặc không tự ý ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Người bệnh không được dùng đơn thuốc của những lần điều trị trước hoặc của bệnh nhân khác.
Đối với nữ giới, cần đặc biệt lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục. Sau khi đại tiện, tiểu tiện nữ giới chú ý vệ sinh hướng từ trước ra sau, không thực hiện theo hướng ngược lại vì vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập niệu quản. Bên cạnh đó, cần lựa chọn dung dịch vệ sinh phù hợp và sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm.
Người bệnh cần uống đủ nước và lưu ý không nhịn tiểu. Thói quen nhịn tiểu sẽ gây tồn đọng nước tiểu từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
Điều trị bệnh lý dễ gây nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát: sỏi tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến, dị dạng đường tiết niệu.
Xem thêm video được quan tâm:
Có hay không nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu khi trời nồm ẩm như nhiều người lo ngại | SKĐS