Hà Nội

Viêm đường tiết niệu

23-12-2014 19:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngoài sỏi tiết niệu, một số bệnh cũng gây rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ, tiểu nhiều) như: các bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới), bệnh đái tháo đường, bệnh đau thắt lưng do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cốt sống,

Viêm đường tiết niệungười cao tuổi (NCT) là một bệnh thường gặp gây không ít phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt gây biến chứng thận. Tuy vậy, bệnh có thể chữa trị và phòng ngừa được.

Nguyên nhân gây viêm

Con người khi tuổi đã cao, sức đề kháng kém rất dễ mắc bệnh, đặc biệt ở những người sa sút trí tuệ, lú lẫn, u xơ tiền liệt tuyến (nam giới), tai biến mạch máu não, nằm lâu do liệt sẽ dễ mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Khi tuổi càng cao, sức đề kháng càng kém, trí nhớ suy giảm rất dễ gây rối loạn tiểu tiện do không tự chủ trong tiểu tiện, vì vậy, sẽ gây viêm đường tiết niệu ngược dòng (từ niệu đạo ngược lên bàng quang, niệu quản, thận). Bên cạnh đó, những người NCT đang mắc các bệnh về sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, niệu quản, bàng quang) càng dễ bị viêm đường tiết niệu. Lý do là sỏi đường tiết niệu sẽ làm cản trở dòng chảy của nước tiểu, vi khuẩn càng dễ tồn tại và phát triển. Càng nhiều sỏi, sự cản trở càng mạnh và sỏi tồn tại càng lâu trong đường tiết niệu càng dễ bị nhiễm trùng.

Ngoài sỏi tiết niệu, một số bệnh cũng gây rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ, tiểu nhiều) như: các bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới), bệnh đái tháo đường, bệnh đau thắt lưng do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cốt sống, nằm lâu do liệt, hoặc bất động do bị gãy xương (xương đùi, xương chậu…), từ đó, lâu dần bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, viêm đường tiết nhiệu ở NCT có thể do hậu quả của các thao tác kỹ thuật không vô khuẩn tuyệt đối (mổ lấy sỏi, tán sỏi, nong niệu đạo…) hoặc thường ngày vệ sinh bộ phận đường tiết niệu ngoài không tốt, tiểu són ra quần không không được vệ sinh và không thay quần sạch hoặc phụ nữ dùng vòi rửa sau khi đi vệ sinh từ sau ra trước sẽ đưa vi khuẩn từ hậu môn đến bộ phận tiết niệu ngoài. Ở một số nam giới do bao quy đầu phủ kín quy đầu, nếu không vệ sinh hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân gây viêm ngược dòng đường tiết niệu.

Triệu chứng đau lưng trong viêm đường tiết niệu dễ nhầm với thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Triệu chứng đau lưng trong viêm đường tiết niệu dễ nhầm với thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

 

Tác nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất đa dạng nhưng chủ yếu là do vi khuẩn (chiếm khoảng 75 - 80%), trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là các vi khuẩn thuộc vi khuẩn đường ruột như: E.coli, Proteus, hoặc do trực khuẩn mủ xanh, họ cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu).hoặc do vi nấm

Triệu chứng của bệnh

Bệnh viêm đường tiết niệu có biểu hiện và dấu hiệu nhận dạng khác nhau tùy thuộc vào vị trí đường tiết niệu bị bệnh, trong đó sốt, đau bụng phần thắt lưng, đau thắt lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục (nước tiểu có mủ), nước tiểu màu đỏ (nước tiểu có máu).

Đau lưng có thể từng cơn nhưng thường là đau âm ỉ. Triệu chứng này rất dễ nhầm với thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Sốt thường là sốt nhẹ, liên tục, đôi khi sốt cao, rét run. Sốt thường kéo dài từ 5 ngày trở lên. Nếu không điều trị kịp thời thì sốt còn có thể lâu hơn. Nên lưu ý là viêm đường tiết niệu, sốt bao giờ cũng có, mức độ sốt có thể khác nhau tùy theo tình trạng của bệnh. Kèm theo sốt là dấu hiệu đau bụng dưới, đặc biệt là viêm bàng quang hoặc viêm niệu quản đoạn dưới. Đau bụng thường âm ỉ, kéo dài liên tục, nếu viêm thận, niệu quản do sỏi có thể có cơn đau bụng dữ dội (cơn đau quặn thận).

Người bệnh thường đi tiểu nhiều lần, mỗi lần số lượng nước tiểu ít (đái rắt) do buốt phải ngưng, hết đau lại đi tiểu tiếp, nhất là người bị viêm đường tiết niệu do sỏi, đặc biệt là khi viêm niệu đạo hoặc viêm bàng quang. Đái buốt ở đầu bãi thường liên quan tới viêm niệu đạo còn đái buốt ở cuối bãi liên quan đến viêm bàng quang nhiều hơn. Viêm đường tiết niệu ở NCT nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: suy thận, áp-xe quanh thận. Viêm đường tiết niệu cũng có thể đưa đến nhiễm trùng huyết là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của NCT.

Để xác định viêm đường tiết niệu và nguyên nhân, ngoài các dấu hiệu lâm sàng cần chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị, siêu âm, nếu có điều kiện thì chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc tốt hơn là chụp cộng hưởng từ. Cần xét nghiệm vi sinh nước tiểu để xác định vi khuẩn, vi nấm gây bệnh. Trên cơ sở đó, tiến hành kỹ thuật kháng sinh đồ để xác định mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, giúp bác sĩ điều trị lựa chọn kháng sinh thích hợp.

Nguyên tắc phòng và chữa bệnh

Khi nghi ngờ bị viêm đường tiết niệu cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị dứt điểm ngay từ đầu. Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân thật tốt, nếu NCT sức yếu, nằm liệt giường cần có sự hỗ trợ của gia đình. Nên tập thói quen uống nhiều nước nhưng nên uống vào buổi sáng và chiều, cần hạn chế uống nước trước khi đi ngủ buổi tối để tránh đi tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Không nên nhịn tiểu, bởi vì nhịn tiểu làm cho nước tiểu ứ đọng thời gian lâu sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn và nguy cơ sẽ làm nhiễm trùng đường tiết niệu ngược dòng. Không nên uống bia, ăn canh, uống thuốc lợi tiểu vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Cần tích cực điều trị bệnh tiền liệt tuyến (nam giới), đái tháo đường.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 


Ý kiến của bạn