Hà Nội

Viêm đường mật và nguy cơ biến chứng nặng nề

05-10-2009 20:21 | Tin nóng y tế
google news

Viêm đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn đường mật mà nguyên nhân thường gặp nhất là do sỏi đường mật, một số ít có thể gây ra do bệnh lý u và chít hẹp đường mật.

Viêm đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn đường mật mà nguyên nhân thường gặp nhất là do sỏi đường mật, một số ít có thể gây ra do bệnh lý u và chít hẹp đường mật. Vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm đường mật là Escherichia coli và các vi khuẩn ký sinh trong đường ruột. Biểu hiện của bệnh được tóm lại bằng tam chứng Charcot, bệnh nhân khởi đầu bằng đau bụng vùng hạ sườn phải, sau đó xuất hiện sốt và vàng da.

Các dấu hiệu bệnh cần được chú ý

Bệnh thường gặp ở các đối tượng có nguy cơ cao như trong tiền sử có sỏi đường mật, sỏi túi mật, viêm đường mật, hoặc thực hiện các thủ thuật về đường mật như nội soi mật - tụy ngược dòng... Biểu hiện lâm sàng có thể gặp các triệu chứng nhẹ đến nặng như sốc nhiễm khuẩn dẫn tới tử vong.

 Đường mật bình thường (trên) và đường mật bị viêm (dưới).

Tam chứng Charcot gồm có đau hạ sườn phải, sốt và vàng da. Đau hạ sườn phải biểu hiện bằng cơn đau quặn có thể gặp do sỏi kẹt cổ túi mật, sỏi kẹt đường mật hoặc các nguyên nhân khác. Trong trường hợp điển hình đau xuất hiện đột ngột vùng hạ sườn phải, lan ra sau lưng và lên vai phải, thường đau thành cơn làm người bệnh lăn lộn, không dám thở mạnh; không điển hình có thể chỉ đau âm ỉ hoặc có cảm giác tức nặng hay gặp ở người già có thể trạng suy kiệt... Sau đó sốt xuất hiện, là dấu hiệu của viêm nhiễm, sốt gặp ở khoảng 90% các ca viêm đường mật, thường sốt cao rét run. Cuối cùng biểu hiện vàng da và củng mạc mắt do tắc mật, tùy theo mức độ tắc mật mà vàng da nhẹ hay đậm, chỉ trong trường hợp sỏi đơn thuần ở túi mật mới không gây vàng da. Khoảng 50-70% các trường hợp viêm đường mật có biểu hiện điển hình của tam chứng Charcot.

Thăm khám có biểu hiện gan to, mức độ gan to phụ thuộc vào mức độ tắc mật, có thể dấu hiệu túi mật to, đau. Làm xét nghiệm thấy bạch cầu tăng, máu lắng tăng, tăng bilirubin và phosphatase kiềm, men gan thường tăng nhẹ, amylase và lipase tăng nếu có biểu hiện viêm tụy, cấy máu có thể phát hiện vi khuẩn khi nhiễm khuẩn huyết... Làm siêu âm và chụp cắt lớp vi tính xác định tình trạng và nguyên nhân viêm đường mật. Siêu âm có độ nhạy cao trong đánh giá túi mật, mức độ giãn đường mật, đặc biệt có lợi thế do giá thành thấp và làm được nhiều lần.

Biến chứng nào có thể xảy ra?

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong như hoại tử túi mật, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật, dò mật vào ống tiêu hóa, áp-xe gan đường mật, viêm tụy cấp, chảy máu đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, xơ gan do ứ mật lâu ngày... Cũng cần lưu ý nguy cơ tử vong cao lên nếu viêm đường mật có kèm thêm các yếu tố như hạ huyết áp, suy thận cấp, áp-xe gan, xơ gan, người già, chít hẹp đường mật ác tính... cần cân nhắc giải phóng áp lực đường mật sớm ở những bệnh nhân này.

Điều trị và phòng ngừa

Bệnh nhân có biểu hiện viêm đường mật cần được điều trị chuyên khoa, mức độ khẩn cấp phụ thuộc vào độ nặng bệnh. Viêm đường mật nhẹ cũng cần được lưu ý, kể cả nguy cơ nhiễm khuẩn huyết. Điều trị hỗ trợ, giảm đau và dùng kháng sinh theo kinh nghiệm trước khi cấy máu tìm vi khuẩn. Các trường hợp nặng, điều trị giảm áp lực đường mật là ưu tiên hàng đầu. Lựa chọn các phương pháp phẫu thuật, nội soi điều trị phụ thuộc và tình trạng bệnh nhân, khả năng và kinh nghiệm của từng bệnh viện. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị hỗ trợ và kháng sinh. Một số đòi hỏi các can thiệp thủ thuật cấp cứu như dẫn lưu qua da, lấy sỏi ngược dòng bằng nội soi và phẫu thuật.

Ở nước ta, điều kiện vệ sinh còn kém, viêm đường mật do sỏi là bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt do bắt nguồn từ ký sinh trùng đường ruột như giun đũa. Vì vậy, mọi người cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh, tẩy giun định kỳ. Khi có bất kể các triệu chứng như trên cần đi khám để được điều trị kịp thời.

BS. Lê Quang Thuận

 


Ý kiến của bạn