1. Nguyên nhân viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh
Đường hô hấp trên gồm mũi, họng, xoang, thanh quản… đây là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên. Thông thường ban đầu là cảm lạnh, sau đó là viêm mũi họng, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa…
Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, trong đó phải kể đến viêm nhiễm do virus, vi khuẩn.
- Các virus hay gặp là virus Rhino, Adeno, Corona, virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV…
- Viêm đường hô hấp trên do các vi khuẩn thường gặp là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm…
- Ngoài ra, các yếu tố môi trường bao gồm các yếu tố thuận lợi thời tiết, nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong…), môi trường vệ sinh kém… khiến cho trẻ dễ mắc viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ non yếu, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng… cũng nằm trong nhóm có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp trên hơn trẻ khác. Tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh;
- Trẻ có suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV, điều trị Corticoit kéo dài… cũng là đối tượng có nguy cơ.
2. Cách nhận biết sớm viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, triệu chứng của viêm đường hô hấp trên chủ yếu là sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi hoặc không chảy nước mũi, khò khè.
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, niêm mạc mũi sẽ bị phù nề do viêm và dịch mũi, khiến trẻ nghẹt mũi phải há miệng thở. Khi đó trẻ quấy khóc khó ngủ và bú ít hơn.
Diến biến của bệnh thường theo các tiến trình như sau:
- Triệu chứng đầu tiên là sốt và đây là dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết trẻ bệnh viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ sốt cao thành cơn, thân nhiệt tăng 39 - 40 độ C.
- Sổ mũi và chảy nước mũi, dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không mùi hôi. Một số trẻ chảy nước mũi thường xuyên 1 hoặc cả 2 mũi.
- Ngoài ra, trẻ có ho thành cơn hay ho khan, ho có đờm.
- Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Khó thở rất ít gặp nhưng khi đã gặp thì thường là dấu hiệu của bệnh nặng, trẻ phải thở rít, thở khò khè...
- Sau đợt cấp, nếu không chữa trị tốt dễ chuyển sang viêm mạn tính, với triệu chứng thường là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi.
3. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh viêm đường hô hấp trên?
Để điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp trên ở trẻ nói chung, trẻ sơ sinh khi phải dùng kháng sinh chỉ cần điều trị triệu chứng vì bệnh phần lớn là do virus.
- Cần thông thoáng mũi cho trẻ, cha mẹ dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho trẻ trước khi cho ăn và cho bú.
- Nhỏ mũi hoặc xịt mũi bằng nước mũi sinh lý cho trẻ 5-6 lần/ngày và theo dõi trẻ.
- Mẹ cũng nên tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, chia nhỏ cữ bú nếu trẻ nghẹt mũi nhiều, gây khó thở khi bú.
- Tình trạng viêm đường hô hấp trên ở trẻ thông thường có thể kéo dài trong vòng 1-2 tuần và đa số sẽ tự khỏi mà chưa cần dùng thuốc. Tuy nhiên cần thường xuyên theo dõi trẻ, nếu trẻ bú kém, ho nhiều, sốt… bố mẹ đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi, để được thăm khám và được điều trị phù hợp.
Điều này giúp ích cho việc phòng tránh các biến chứng có thể gặp như: Viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục