1. Các bệnh viêm đường hô hấp cân nhắc nên được dùng corticoid
Danh sách các bệnh dưới đây bác sĩ có thể kê đơn dùng corticoid trên cơ sở cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc:
1.1.Viêm mũi dị ứng
Khi viêm mũi dị ứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hoặc làm cho tình trạng trở nên dai dẳng khó kiểm soát, corticoid dạng xịt mũi là lựa chọn đầu tay để điều trị bệnh. Corticoid uống cũng có thể được chỉ định trong vài ngày đối với những cơn dị ứng mũi nặng trong thời gian chờ đợi corticoid dạng xịt và thuốc kháng histamine phát huy tác dụng.
1.2 Viêm sưng họng
Một phân tích tổng hợp cho thấy dùng dexamethasone (một thuốc trong nhóm corticoid) có thể làm giảm đau trong chứng viêm sưng họng ở trẻ trên 5 tuổi. Mặc dù những bằng chứng khá rõ ràng, nhưng liệu pháp này chưa được khuyến cáo rộng rãi.
1.3 Hen phế quản (hen suyễn)
Để dự phòng trường hợp trẻ bị hen phế quản dai dẳng hoặc có những cơn suyễn nặng có chỉ định phòng ngừa, corticoid dạng xịt sẽ được chỉ định. Corticoid đường toàn thân (uống) đôi khi được dùng với mục đích dự phòng nhưng hiếm.
Để cắt cơn suyễn từ mức độ trung bình trở lên (cơn suyễn trung bình được nhận dạng là cơn suyễn có rút lõm ngực và trẻ vẫn tỉnh táo, không tím) hoặc cơn suyễn nhẹ nhưng đáp ứng kém với thuốc giãn phế quản (salbutamol phun vài lần mà không cắt cơn), corticoid sẽ được sử dụng.
1.4. Viêm thanh khí phế quản cấp
Hiện tượng viêm phù nề thanh khí phế quản được đặc trưng bởi tình trạng khan tiếng, thở rít hay thở khò khè, được chỉ định corticoid như sau:
- Viêm thanh khí phế quản nhẹ: Uống dexamethasone (liều lượng tùy cân nặng và bác sĩ sẽ tính toán trước khi kê đơn) liều duy nhất
- Viêm thanh khí phế quản trung bình: Dexamethasone dạng uống hoặc tiêm hoặc khí dung pulmicort cũng là một lựa chọn thay thế.
- Viêm thanh khí phế quản trung bình nặng, đe dọa tính mạng thì ngoài dùng corticoid phải hỗ trợ thêm nhiều biện pháp khác.
1.5. Loạn sản phế quản phổi
Thường gặp ở các bé sơ sinh vì lý do nào đó phải được hỗ trợ thở oxy trong thời gian dài. Corticoid có thể làm giảm được mức độ viêm và cải thiện chức năng phổi.
2. Có dùng corticoid toàn thân cho trẻ bị viêm tiểu phế quản không?
Mặc dù tác dụng kháng viêm của corticoid có thể làm giảm được hiện tượng tắc nghẽn đường thở do thuốc làm giảm sưng nề thành phế quản, nhưng hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng corticoid có rất ít hiệu quả trong điều trị viêm tiểu phế quản.
Trên thực tế quan sát lâm sàng, việc sử dụng corticoid đường toàn thân (uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch) trong điều trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em từ 0-24 tháng, không có sự khác biệt về tỉ lệ nhập viện, thời gian bị bệnh và các điểm số lâm sàng sau 12 giờ và tỉ lệ tái nhập viện cũng không thay đổi.
Trong một nghiên cứu quan sát 2.479 trẻ em dưới 2 tuổi phải nhập viện do viêm tiểu phế quản cấp và sau đó lại nhập viện vì hen suyễn, dù có được chỉ định corticoid trong suốt thời gian nằm viện do viêm tiểu phế quản cũng không cải thiện được kết quả điều trị.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ở một số trẻ em lần đầu đi khám bệnh với cơn thở khò khè đầu tiên trong đời, được chẩn đoán viêm tiểu phế quản và kê corticoid toàn thân, thấy giảm triệu chứng bệnh. Nhưng rất có thể triệu chứng khò khè này là biểu hiện của cơn suyễn đầu tiên ở trẻ, do đó những bệnh này có thể nhận được một chút lợi ích từ corticoid đường toàn thân. Còn các thử nghiệm ngẫu nhiên cũng như các phân tích trên các ca bệnh lâm sàng trong các bệnh viện đã chứng minh corticoid đường uống không mang lại lợi ích với những bé bị khò khè do siêu vi thúc đẩy (viêm tiểu phế quản).
Do đó, đối với nhũ nhi và trẻ nhỏ khỏe mạnh trong đợt đầu của viêm tiểu phế quản cấp trước khi xác định được đó là do hen phế quản, thì không khuyến cáo dùng corticoid đường toàn thân.
Mời độc giả xem thêm video:
Hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà nhằm nâng cao miễn dịch phòng ngừa COVID-19