Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây mất thị lực vĩnh viễn

13-06-2022 10:13 | Bệnh thường gặp

SKĐS-Viêm dây thần kinh thị giác là một tình trạng viêm cấp tính làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Đau nhức và mất thị lực tạm thời ở một mắt là triệu chứng phổ biến của bệnh lý này. Tình trạng viêm dây thần kinh thị giác nếu để lâu diễn tiến ngày càng nghiêm trọng. Một số trường hợp có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn.

Viêm dây thần kinh thị giác là gì?

Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ. Nó có chức năng dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc (mắt) về thùy chẩm ở não để phân tích. Mỗi dây đảm nhận nhiệm vụ cho từng mắt và trên một thị trường riêng biệt. Hai dây thần kinh thị giác đối xứng nhau về hai bên bán cầu não.

Viêm dây thần kinh thị giác còn được gọi là viêm thị thần kinh. Đây là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác. Viêm nhiễm khuẩn có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ chiều dài của dây thần kinh.

Bệnh thường xảy ra ở 1 bên mắt, đôi khi biểu hiện ở cả 2 bên.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng:

Các triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác:

-Đau nhức mắt: Đây là biểu hiện điển hình của hầu hết những bệnh nhân bị viêm thần kinh thị giác. Đau mắt với mức độ từ trung bình cho đến nặng và sẽ tăng lên khi cử động mắt.

-Mất thị lực: giảm thị lực tạm thời với mức độ không giống nhau. Thị lực giảm rõ rệt khi bệnh vào giai đoạn tiến triển. Khi tổn thương viêm được điều trị thị lực sẽ cải thiện dần dần. Tuy nhiên, số ít trường hợp bị giảm thị lực nặng và dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn;

-Thị trường thị giác bị thu hẹp và có thể bị mất 1 bên.

-Mất thị lực màu: phản ứng viêm trên dây thần kinh thị giác cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức màu sắc của bệnh nhân. Người bệnh nhận thấy màu sắc xuất hiện kém sinh động hoặc không phân biệt được các màu với nhau.

-Bỗng nhiên nhìn thấy các đốm sáng nhấp nháy như ánh đèn: Mức độ xuất hiện các hình ảnh này tăng dần lên hoặc khi người bệnh chuyển động nhãn cầu.

-Ngoài ra, khi bệnh đã diễn tiến nặng nề các triệu chứng của bệnh có thể còn đi kèm với các tổn thương trên thần kinh khác, gây tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, thậm chí cả rối loạn tri giác.

Viêm dây thần kinh thị giác nếu để lâu có thể diễn tiến ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, một số trường hợp có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Chính vì vậy hãy đi khám bác sĩ ngay khi thấy đột nhiên đau mắt hoặc thay đổi tầm nhìn như các triệu chứng trên.

Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh thị giác

photo-1654916570063

Trong viêm dây thần kinh thị giác, các myelin bị viêm và tổn thương

Đến nay nguyên nhân chính xác của viêm dây thần kinh thị giác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho rằng tình trạng này là hệ quả khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mục tiêu vào chất bao phủ dây thần kinh thị giác (myelin) dẫn đến viêm và tổn thương myelin, điều này trì hoãn dẫn truyền tín hiệu và ảnh hưởng đến thị lực.

Bệnh có biểu hiện của xơ cứng rải rác. Các nguyên nhân khác bao gồm:

-Nhiễm trùng: bị viêm não vi-rút (đặc biệt ở trẻ em), bị viêm xoang, viêm màng não, lao, giang mai, HIV

-Ung thư di căn đến thần kinh thị giác.

-Hóa chất và thuốc: chì, methanol, quinine, asen, ethambutol, kháng sinh…

-Bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMO).

-Myelin oligodendrocyte glycoprotein tự kháng thể (MOG-IgG 2)

-Các nguyên nhân hiếm gặp gồm: bị đái tháo đường, thiếu máu ác tính, các bệnh tự miễn, bệnh nhãn giáp, ong đốt, chấn thương…

Các yếu tố nguy cơ gây viêm dây thần kinh thị giác

-Tuổi tác: thường xảy ra trên người lớn 20 - 40 tuổi.

-Phụ nữ dễ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;

-Người da đen xảy ra phổ biến hơn ở người da trắng.

-Di truyền: đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ viêm thần kinh thị giác hoặc bệnh đa xơ cứng.

photo-1654916573889

Đau nhức mắt là biểu hiện của viêm dây thần kinh thị giác.

Có thể gây mất thị lực vĩnh viễn

Hầu hết các trường hợp bị viêm dây thần kinh thị giác đều tự hồi phục. Tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể gây ra các biến chứng như:

-Tổn thương ở thần kinh thị giác: sẽ tồn tại vĩnh viễn sau một đợt viêm cấp tính.

-Giảm thị lực: Đa số các bệnh nhân đều có thể lấy lại thị lực bình thường sau đợt viêm cấp tính. Tuy nhiên, nhầm lẫn màu sắc đôi khi vẫn còn kéo dài. Đặc biệt không ít người bị mất thị lực vĩnh viễn

-Gặp phải các tác dụng phụ của thuốc điều trị Steroid: với mục tiêu ức chế hệ thống miễn dịch tạo điều kiện thuận lợi khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, các tác dụng phụ khác của steroid: tăng cân, loãng xương, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, rối loạn dung nạp đường

Điều trị viêm dây thần kinh thị giác

Điều trị là hướng vào giải quyết bệnh lý căn nguyên. Người bệnh cần được khám bệnh toàn diện và điều trị theo các chuyên khoa khác nhau … cần ngừng ngay việc sử dụng các chất gây nhiễm độc thị thần kinh khi có nghi ngờ bệnh.

-Ngay sau khi có chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ điều trị bằng corticoide, dùng cả đường uống lẫn đường tiêm, truyền tĩnh mạch.

-Tùy theo tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cho kháng sinh phù hợp. Trong 1 số trường hợp đặc biệt có thể người bệnh phải dùng tới thuốc ức chế miễn dịch.

-Các loại thuốc giãn mạch dùng theo đường uống và tiêm cạnh nhãn cầu cùng các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 cũng có thể được bác sĩ sử dụng.

Thị lực có thể bắt đầu cải thiện sau khi điều trị bằng corticoide, bệnh nhân phục hồi sau từ 2-3 tuần đến 1-2 tháng, tuy nhiên phục hồi hoàn toàn là ít có khả năng.

Phòng ngừa bệnh viêm dây thần kinh thị giác

Cần hạn chế những nguy cơ gây bệnh như:

-Duy trì chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý,

-Chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Tóm lại viêm thị thần kinh là bệnh mắt nặng. Bệnh ít gặp trong cộng đồng, tổn thương thường khu trú và có khả năng hồi phục cao; tuy vậy, đôi khi vẫn để lại di chứng nặng nề và có khả năng tái phát cao. Chính vì thế, việc phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực rất có ý nghĩa trong phục hồi chức năng thị giác, tránh tái phát và biến chứng.

Dấu hiệu trẻ bị suy giảm thị lực do tiếp xúc với thiết bị điện tửDấu hiệu trẻ bị suy giảm thị lực do tiếp xúc với thiết bị điện tử

SKĐS - Việc trẻ em sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử sẽ làm ảnh hưởng tới mắt của bé. Nhất là đang trong thời gian giãn cách xã hội dài ngày bé phải ở nhà và không được ra ngoài vận động. Vậy suy giảm thị lực ở bé có biểu hiện gì và cách phòng tránh như thế nào?

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Hít thở khi tập luyện có phải là bản năng không

BS Nguyễn Minh Châu
Ý kiến của bạn