Hà Nội

Viêm đại tràng màng giả có nguy hiểm?

12-04-2018 13:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm đại tràng màng giả là bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh hoặc bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau đặc biệt là ở người già, vi khuẩn này sẽ phát triển mạnh gây viêm ruột, đặc biệt chúng tạo nên một lớp màng dính vào thành ruột được gọi là màng giả. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, viêm đại tràng màng giả do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C. difficile). Bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng, sốt, tiêu chảy rất nhiều lần,… có thể nguy hiểm tính mạng.

Biểu hiện bệnh

Triệu chứng chung của bệnh là đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Người bệnh có thể sốt, có khi lên tới 38-39oC. Đôi khi có nôn hoặc buồn nôn, phân có khi lỏng có thể có máu hoặc có chất nhày và mủ kèm theo. Tuy nhiên, các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể bắt đầu trong vòng 1 - 2 ngày sau khi bắt đầu dùng một loại kháng sinh hoặc có thể không xảy ra cho đến vài tuần sau khi ngừng kháng sinh.

Hình ảnh nội soi viêm đại tràng màng giả.

Hình ảnh nội soi viêm đại tràng màng giả.


Nguyên nhân chính gây bệnh là do tác dụng phụ của thuốc?

Viêm đại tràng màng giả xảy ra khi vi khuẩn có hại trong ruột già -  thường gặp nhất C. difficile phát tán độc tố mạnh. Những độc tố gây kích ứng ruột, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng màng giả. Vi khuẩn Cl.dificil là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, vì vậy, sức đề kháng rất tốt khi ra bên ngoài cũng như khi ở trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn Cl.difficil sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc. Vì vậy, một trường hợp sau khi dùng kháng sinh (vài ngày) hoặc dùng một thời gian mấy tuần hoặc đã ngưng dùng thuốc kháng sinh mà thấy đi ngoài ra máu nên nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, không phải người nào dùng kháng sinh cũng gây nên viêm đại tràng giả mạc hoặc không phải loại kháng sinh nào cũng có tác dụng phụ gây viêm đại tràng giả mạc mà chỉ gặp ở một số người và một số kháng sinh mà thôi. Thống kê cho thấy, loại kháng sinh nhóm beta-lactamin, phân nhóm cephalosporin, phân nhóm penicillin hoặc kháng sinh nhóm lincosamide. Phân nhóm cephalosporin hay gặp nhất là loại kháng sinh thế hệ 3, phân nhóm penicillin hay gặp nhất là ampicillin và amoxicillin, nhóm lincosamide hay gặp là clindamicin, dalacin C. Ngoài ra, cũng có thể gặp erythromicin (macrolid), ciprofloxacin (fluoroquinolon), tetracyclin… có thể gây nên tác dụng phụ viêm đại tràng.

Ngoài ra, có các yếu tố nguy cơ  như: bệnh thường gặp ở người trên 65, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, người mắc một số bệnh như: viêm ruột và ung thư đại trực tràng hoặc trải qua phẫu thuật đường ruột, đang nằm viện… thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Có thể suy kiệt vì viêm đại tràng màng giả

Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã nặng, cơ thể suy kiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Vì viêm đại tràng màng giả gây ra những biến chứng như:

Mức thấp bất thường của kali trong máu (hạ kali máu), do sự mất kali trong quá trình tiêu chảy quá nhiều. Mất nước dẫn đến huyết áp thấp bất thường (hạ huyết áp), liên quan đến thiệt hại đáng kể của chất lỏng và chất điện giải, suy thận do tiêu chảy. Thủng ruột kết có thể dẫn đến nhiễm khuẩn ổ bụng. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, cấp cứu đúng đa số trường hợp đáp ứng tốt với điều trị.

Gần đây nhất tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM đã điều trị thành công cho bệnh nhân Ph.T.N. (62 tuổi) bị đau bụng, kèm đi cầu phân lỏng, nhiều lần trong ngày. Theo lời kể của người nhà, trước khi nhập viện, bà N. đã dùng thuốc trong bảy ngày liên tục nhưng không khỏi, gần như phải liên tục ngồi trong nhà vệ sinh. Sau khi xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, xét nghiệm phân, xét nghiệm dịch ổ bụng và chụp CT-scan bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị “tiêu chảy do viêm đại tràng màng giả kèm tràn dịch ổ bụng do suy dinh dưỡng giảm chất đạm trong máu”.

Chẩn đoán và điều trị

Khi nghi ngờ, các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm như: mẫu phân, xét nghiệm máu, nội soi đại tràng, Xquang bụng hoặc bụng CT scan nếu có các triệu chứng nghiêm trọng để tìm biến chứng như megacolon độc hại hoặc vỡ đại tràng.

Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà các bác sĩ có hướng điều trị tích cực như: ngừng thuốc kháng sinh hiện tại và bắt đầu một kháng sinh hiệu quả đối với C. difficile. Trong một số trường hợp suy cơ quan tiến triển, vỡ đại tràng và viêm niêm mạc của thành bụng (viêm phúc mạc) có thể cần phẫu thuật.

Ngay cả ở những người được điều trị thành công, viêm đại tràng màng giả có thể trở lại trong vài tuần đến vài tháng sau khi điều trị, do vậy người bệnh cần có phong cách sống và biện pháp khắc phục bằng cách:

Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa bao gồm táo, chuối và gạo. Tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu, các loại hạt và rau quả. Nếu cảm thấy giống như triệu chứng được cải thiện, từ từ thêm chất xơ thực phẩm trở lại chế độ ăn uống. Cố gắng ăn nhiều bữa ăn nhỏ.

Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng. Tránh xa các chất béo, nhiều gia vị, thực phẩm chiên và bất kỳ loại thực phẩm khác mà làm cho các triệu chứng nặng hơn.

Ngoài ra, cần uống nhiều nước. Nước là tốt nhất, nhưng chất lỏng với natri và kali tăng (điện giải) có thể có lợi. Hãy thử dùng nước uống hoặc nước trái cây. Tránh các đồ uống có nhiều chất đường hoặc chứa cồn hoặc caffeine, chẳng hạn như trà, cà phê, cola, có thể làm nặng thêm các triệu chứng.


BS. Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn