Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do việc ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Bệnh tái phát dai dẳng, khó điều trị dứt điểm có khả năng thành ung thư đại tràng. Vì vậy, việc điều trị và tuân thủ chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng.
Đâu là nguyên nhân?
Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương mạn tính của niêm mạc đại tràng còn gọi là ruột già, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tổn thương có thể khu trú hoặc lan tỏa khắp đại tràng. Viêm đại tràng là một bệnh không chỉ làm người bệnh cảm thấy khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, ăn uống kém, gầy yếu, sút cân... mà bệnh còn xảy ra biến chứng có thể đe dọa tới tính mạng.
Nguyên nhân viêm đại tràng mạn có thể là các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột như lao, thương hàn, lỵ trực khuẩn... hoặc nhiễm ký sinh trùng như amibe , Giardia... Nhiễm nấm như Candida, Aspergillus, Histoplasmosis... Nguyên nhân tự miễn gây viêm loét đại tràng không đặc hiệu...
Khi bị viêm đại tràng, trong thành đại tràng có các ổ viêm loét, viêm nhiễm - đây là nơi cư trú của các vi khuẩn gây hại. Chúng sinh sản, phát triển và sinh ra độc tố làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột gây ra rối loạn tiêu hóa thường xuyên. Khi lợi khuẩn chết, lớp lông mao trên thành ruột già cũng trơ đi, không còn lớp lá chắn bảo vệ, dễ bị các chất độc hại tấn công gây viêm loét trở lại, làm cho đại tràng phù nề và tình trạng viêm sẽ cản trở sự hấp thu nước từ thức ăn gây ra tình trạng tiêu chảy do nước không được hấp thu vào đại tràng. Mủ và chất tiết của đại tràng tăng tiết, máu chảy từ các vết loét hay trợt từ lòng đại tràng theo phân ra ngoài.
Hình ảnh đại tràng khỏe mạnh và đại tràng bị viêm.
Nhận biết như thế nào?
Bệnh thường có những biểu hiện điển hình như:
Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Bệnh nhân thường đi ngoài phân lúc táo bón, lúc lỏng. Phân thường nát, không thành khuôn, đi từ 2 đến 6 lần trong ngày. Bệnh nhân thường cảm thấy không thoải mái sau khi đi đại tiện, hoặc có cảm giác mót rặn muốn đi đại tiện nữa. Bụng trướng hơi khu trú dọc khung đại tràng, bệnh nhân luôn cảm thấy căng tức, khó chịu.
Đau bụng là triệu chứng hay gặp, thường đau ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Sau khi trung tiện (xì hơi) hoặc đi đại tiện thì giảm đau. Các triệu chứng này càng nặng hơn khi người bệnh ăn các thức ăn lạ, tanh, sống, có dầu mỡ hoặc uống rượu, bia.
Cần có chế độ ăn uống thích hợp
Với người bệnh tiêu hóa nói chung và đại tràng hay dạ dày nói riêng, vấn đề quan trọng cần chú ý là kiêng thuốc lá, bia rượu, đồ ăn quá cay như ớt, tiêu, tránh thức ăn ôi thiu (nhiễm khuẩn) nhiễm hóa chất.
Các loại thực phẩm như thịt nạc, gà, cá đồng, tôm, đỗ, đậu, vừng, lạc, trứng đều ăn được. Các loại rau củ quả cần chú ý rửa sạch, ăn chín, uống sôi. Tuy nhiên, cũng nên theo dõi khi ăn thức ăn nào đó mà hễ cứ ăn vào gây khó chịu, đau bụng hoặc tiêu phân lỏng, phân sống thì cần tránh. Thông thường các thực phẩm không nên ăn là các loại rau củ quả như đậu quả, bông cải xanh, ngô và nấm, hành củ. Vì chúng có hàm lượng chất xơ cao và có thể gây đầy hơi, khó tiêu cho bệnh nhân viêm loét đại tràng.
Các loại gia vị và nước sốt nhiều chất béo, như mayonnaise hoặc nước sốt chuyên dùng với các món mì, đôi khi có thể gây ra các triệu chứng viêm loét đại tràng.
Bệnh viêm loét đại tràng vốn “kỵ” thịt chứa nhiều mỡ. Hãy chọn thịt nạc và nên được chế biến dưới dạng xay và làm thành viên, nước sốt thịt hoặc thịt cắt lát sẽ giúp cơ thể dễ tiêu hóa hơn khi dùng nguyên miếng lớn. Tuy nhiên, cá nhiều mỡ lại dễ tiêu hóa hơn. Các loại đồ uống có thể khiến người bị viêm loét đại tràng khó kiểm soát triệu chứng bệnh là rượu, cà phê, trà và những loại thức uống khác chứa caffeine như nước ngọt có ga và nước tăng lực.
Các thực phẩm có nhiều lactose như sữa, quả ngọt, mật ong, nhiều sorbitol (có trong một số bánh kẹo ngọt) nhằm chống tiêu chảy. Vì bệnh nhân có biểu hiện kém hấp thu các loại đường này nên ăn vào sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm đại tràng mạn là một bệnh thường gặp , chẩn đoán nguyên nhân thường khó khăn, điều trị kéo dài và dễ tái phát. Vấn đề phòng bệnh cần chú ý vệ sinh thực phẩm, không uống sữa bò tươi chưa triệt trùng, hạn chế dùng kháng sinh kéo dài.
Khi có triệu chứng rối loạn đi cầu, phân có đàm máu bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để xác định chẩn đoán và điều trị.