Hà Nội

Viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm?

23-02-2022 16:22 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Viêm đại tràng giả mạc là một bệnh lý đại tràng đặc biệt do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra. Bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng, sốt, tiêu chảy liên tục nhiều lần,… có thể nguy hiểm đến tính mạng.

1. Khi nào xảy ra viêm đại tràng giả mạc?

Viêm đại tràng màng giả là bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra. Đa số nguyên nhân là do loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh, hoặc bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau đặc biệt là ở người già, vi khuẩn này sẽ phát triển mạnh gây viêm ruột, đặc biệt chúng tạo nên một lớp màng dính vào thành ruột được gọi là màng giả (giả mạc).

2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc

Bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây viêm đại tràng giả mạc, phổ biến nhất: ampicillin, cephalosporins, Clindamycin. Cephalosporins thế hệ hai, ba đặc biệt như cefotaxime, ceftriaxone, cefuroxime….; Fluoroquinolones (ciprofloxacin, levofloxacin và moxifloxacin); Penicillin/β-lactamase-inhibitor kết hợp như ticarcillin/clavulanate và piperacillin/tazobactam…

Ngoài ra, người bị bệnh ung thư, hóa trị đôi khi có thể phá hoại các vi khuẩn trong ruột và kích hoạt sự phát triển của viêm đại tràng giả mạc. Viêm đại tràng màng giả cũng có thể phát triển ở những người bệnh có ảnh hưởng đến đại tràng như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn…

Yếu tố nguy cơ

  • Người uống kháng sinh;
  • Lớn tuổi trên 65 tuổi;
  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu;
  • Trải qua phẫu thuật đường ruột;
  • Mắc bệnh liên quan đến đại tràng như ruột và ung thư đại trực tràng;
  • Đang hóa trị liệu điều trị ung thư;
  • Đang nằm viện...

3. Biểu hiện của viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm? - Ảnh 2.

Đau bụng là biểu hiện điển hình của viêm đại tràng giả mạc

Biểu hiện đầu tiên là đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Đôi khi, người bệnh có thể sốt tới 38-39oC. Có thể nôn hoặc buồn nôn, quan sát phân thấy lỏng và có thể có máu hoặc có chất nhày và mủ. Các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể bắt đầu xuất hiện sau 1 - 2 ngày dùng kháng sinh, cũng có thể xảy ra sau vài tuần sau khi ngừng thuốc.

4. Biến chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc

Vì các biểu hiện khá nghèo nàn nên đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng, cơ thể suy kiệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm đại tràng giả mạc gây ra những biến chứng: Hạ kali máu do sự mất kali trong quá trình tiêu chảy quá nhiều. Cơ thể mất nước dẫn đến hạ huyết áp khiến cơ thể mất chất điện giải, suy thận do tiêu chảy. Bệnh cũng có thể gây thủng ruột kết dẫn đến nhiễm khuẩn ổ bụng. Chính vì vậy việc chẩn đoán phát hiện bệnh sớm rất quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng giả mạc

Các xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định như: xét nghiệm máu, phân, nội soi đại tràng, X-quang bụng hoặc bụng CT scan nếu có các triệu chứng nghiêm trọng.

Tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp: ngừng uống kháng sinh đang uống và bắt đầu điều trị bằng kháng sinh hiệu quả đối với C. difficile. Thuốc kháng sinh dùng để điều trị bệnh này thường dùng bằng đường uống. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể được chỉ định tiêm tĩnh mạch.

Cấy ghép phân: Nếu bệnh ở tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cấy ghép phân từ người hiến tặng khỏe mạnh để khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột già. Sau đó sẽ kết hợp điều trị kháng sinh để điều trị bệnh.

Một số trường hợp bệnh nhân bị suy nội tạng, vỡ đại tràng, viêm phúc mạc… sẽ được chỉ định phẫu thuật.

6. Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm? - Ảnh 3.

Ăn chuối, táo và thức ăn dễ tiêu để phòng viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng màng giả có thể tái phát trong vài tuần đến vài tháng nên người bệnh cần có biện pháp đề phòng: Uống nhiều nước, nước trái cây. Tránh xa đồ uống ngọt và đồ uống có cồn, caffeine: trà, cà phê, cola, có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh; Chọn thức ăn dễ tiêu hóa, mềm như gạo, táo, chuối... Tránh ăn đậu, các loại hạt và rau quả nhiều chất xơ. Đến khi các triệu chứng được cải thiện có thể từ từ ăn thêm các chất xơ. Chia nhỏ nhiều bữa ăn…; Tránh ăn thực phẩm gây dị ứng. Không ăn nhiều chất béo, nhiều gia vị, thực phẩm chiên xào…

Những nguy cơ với người bệnh ung thư đại tràng trong đại dịch COVID-19Những nguy cơ với người bệnh ung thư đại tràng trong đại dịch COVID-19

SKĐS- Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được báo cáo tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội tiêu hóa châu Âu, số ca ung thư đại tràng được phát hiện giảm đáng kể trong đại dịch COVID-19, nhưng điều đó không có nghĩa là ít người mắc bệnh hơn.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Khô mũi - Triệu chứng của COVID-19 hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp


BS Nguyễn Phương Anh
Ý kiến của bạn