Hà Nội

Viêm đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị

06-10-2024 07:53 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm đài bể thận là một tình trạng nhiễm trùng tại hệ thống dẫn lưu nước tiểu của thận. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như suy thận, nhiễm trùng máu...

1. Tổng quan bệnh viêm đài bể thận

1.1. Bệnh viêm đài bể thận là gì?

Viêm đài bể thận (pyelonephritis) là bệnh lý nhiễm trùng ở thận, cụ thể là tại đài thận và bể thận, nơi nước tiểu được thu gom trước khi chuyển xuống niệu quản để vào bàng quang.

Đây là một bệnh lý nhiễm trùng nặng và cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng như suy thận hoặc nhiễm trùng lan rộng.

Viêm đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 1.

Viêm đài bể thận là bệnh lý nhiễm trùng nặng cần được điều trị kịp thời.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh viêm đài bể thận

Viêm đài bể thận thường do nhiễm trùng vi khuẩn. Trong đó, vi khuẩn phổ biến nhất là Escherichia coli (E. coli). Các yếu tố có thể gây viêm đài bể thận:

  • Nhiễm trùng ngược dòng: vi khuẩn di chuyển từ niệu đạo lên bàng quang, sau đó lên đến thận và gây viêm nhiễm.
  • Sỏi thận: Sỏi thận có thể gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
  • Bất thường về giải phẫu: những bất thường bẩm sinh ở thận, niệu quản (hẹp niệu quản bẩm sinh) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Suy giảm miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch yếu do bệnh lý (như tiểu đường, HIV/AIDS) hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao hơn.
  • Đặt ống thông tiểu: Đặt ống thông tiểu trong thời gian dài có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.

2. Triệu chứng viêm đài bể thận

Các triệu chứng của viêm đài bể thận có thể khác nhau về mức độ nặng nhẹ. Theo đó, khi bị viêm đài bể thận bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như:

  • Sốt cao, ớn lạnh: Đây là dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân.
  • Đau lưng hoặc đau ở vùng sườn: Đặc biệt là vùng thắt lưng ở phía sau, nơi thận nằm.
  • Buồn nôn, nôn mửa: Khi viêm nhiễm nặng, cơ thể phản ứng bằng các triệu chứng toàn thân như buồn nôn và nôn.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt: Khó chịu khi đi tiểu, có cảm giác nóng rát.
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi: Nước tiểu có thể chứa mủ hoặc có màu đỏ do tiểu ra máu.
  • Mệt mỏi và cảm giác ốm yếu: Người bệnh có thể cảm thấy rất yếu và mệt mỏi do nhiễm trùng.
Viêm đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 3.

Các triệu chứng của bệnh viêm đài bể thận có thể khác nhau về mức độ nặng nhẹ.

3. Biến chứng của bệnh viêm đài bể thận

Nếu viêm đài bể thận không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

  • Suy thận cấp tính hoặc mãn tính: Viêm nhiễm lâu dài hoặc tái phát có thể làm tổn thương chức năng thận.
  • Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết): Vi khuẩn từ thận có thể lan vào máu và gây ra nhiễm trùng toàn thân, rất nguy hiểm đến tính mạng.
  • Áp-xe thận: Một ổ mủ có thể hình thành trong thận do nhiễm trùng không được kiểm soát.

4. Bệnh viêm đài bể thận có lây nhiễm không?

Viêm đài bể thận là một bệnh lý nhiễm trùng của thận, thường xảy ra do vi khuẩn, nhưng vi khuẩn gây bệnh thường là từ chính cơ thể người bệnh, di chuyển từ đường tiết niệu lên thận. Vậy nên, bệnh viêm đài bể thận không lây nhiễm từ người sang người.

5. Cách phòng bệnh viêm đài bể thận

Để phòng ngừa viêm đài bể thận, cần:

  • Uống đủ nước: Giúp duy trì hệ tiết niệu khỏe mạnh và làm sạch vi khuẩn.
  • Đi tiểu thường xuyên: Không nên nhịn tiểu lâu, vì điều này có thể gây tích tụ vi khuẩn trong bàng quang và gây nhiễm trùng.
  • Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Đặc biệt là sau khi đi tiểu và quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu: Điều trị dứt điểm các nhiễm trùng đường tiết niệu dưới để tránh lan lên thận.
  • Hạn chế đặt sond niệu đạo, sond JJ (một ống rỗng được làm từ silicon hoặc nhựa dẻo, đặt vào niệu quản nhằm mục đích lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang).
Viêm đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 4.

Người bị viêm đài bể thận cần uống nhiều nước để làm sạch vi khuẩn.

6. Cách điều trị bệnh viêm đài bể thận

Bệnh viêm đài bể thận có thể được chẩn đoán thông quá các xét nghiệm nước tiểu, siêu âm và chụp CT.

Khi phát hiện bệnh, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh kết hợp với các loại thuốc khác như giảm đau hạ sốt, thuốc chống viêm… Điều trị kết hợp với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt, người bị viêm đài bể thận cần uống nhiều nước để làm sạch vi khuẩn khỏi hệ tiết niệu và giảm nguy cơ tái phát nhiễm trùng.

Vì sao người viêm đài bể thận cần kiêng rau khoai lang, rau muống?Vì sao người viêm đài bể thận cần kiêng rau khoai lang, rau muống?

SKĐS - Khi bị viêm đài bể thận, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc và hướng dẫn không nên sử dụng các thực phẩm giàu kali như rau khoai lang, rau muống... Vì sao?


PGS.TS.BS Nguyễn Bách
Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM)
Ý kiến của bạn