Viêm da tiết bã ở trẻ: Phòng và trị thế nào?

21-07-2022 12:40 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Viêm da tiết bã ở trẻ là thể viêm da phổ biến, gây triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn. Dưới đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để phụ huynh nắm rõ và phòng ngừa cho con.

Làm sao điều trị viêm da tiết bã ở trẻ?Làm sao điều trị viêm da tiết bã ở trẻ?

SKĐS - Em mới sinh cháu được 4 tháng. Cháu ăn uống và sinh hoạt bình thường, tuy nhiên, từ lúc bé được 2 tuần trên đầu cháu có những mảng vảy nhờn màu vàng nâu, bé không ngứa, không gây chảy mủ, sau khi gội đầu có đỡ hơn xong lại xuất hiện. Xin hỏi, có thuốc gì điều trị cho hết những vảy này không?

Viêm da vùng tiết bã là tên gọi chung cho tình trạng viêm da vùng tiết bã (đỏ, ngứa, bong tróc…). Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi (từ 1-12 tháng tuổi), viêm da tiết bã thường gặp ở nhiều vị trí hơn người lớn bao gồm: Da đầu (thường gọi là cứt trâu), vùng cổ, vùng lưng, vùng mông, sinh dục, bụng, đùi… gọi chung là vùng mang tã, hay viêm da tã lót.

Vì sao trẻ dễ bị viêm da tiết bã?

Viêm da tiết bã là tình trạng phổ biến, có thể ảnh hưởng đến 10% trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi và khoảng 70% ở trẻ 3 tháng tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ 1 - 2 tuổi khoảng 7%.

Tình trạng này không lây nhiễm, có thể tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp các triệu chứng có thể kéo dài đến khi trẻ được 4 tuổitrẻ có thể cần đến bệnh viện để được điều trị y tế.

Viêm da tiết bã do vùng da này có quá nhiều mồ hôi. Trong mồ hôi có chất béo, là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật thường trú trên da phát triển. Các vi sinh vật phát triển mạnh làm thay đổi đặc điểm sinh hóa của da, vượt quá khả năng tự phục hồi của da, tạo biểu hiện viêm tại chỗ.

Tương tự như những bệnh ngoài da khác như chàm, viêm da cơ địa, nguyên nhân dẫn đến viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định. Tình trạng này thường không liên quan đến dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc thiếu vệ sinh, mà có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân như: Nội tiết tố của người mẹ vẫn còn ở cơ thể trẻ sơ sinh sau một tháng khi trẻ ra đời. Điều này làm rối loạn hoạt động của da và các tuyến, dẫn đến các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh. Hoặc cũng có thể nhiễm nấm, thường có liên quan đến việc người mẹ đã sử dụng thuốc kháng sinh trong thai kỳ.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi sử dụng thuốc kháng sinh cũng có thể dẫn đến các triệu chứng viêm da tiết bã.

Các nghiên cứu cũng ghi nhận tiền sử gia đình mắc các bệnh ngoài da như chàm hoặc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng…, cũng có thể khiến trẻ mắc viêm da tiết bã.

photo-1658327308190

Viêm da tiết bã gặp ở vùng bài tiết nhiều mồ hôi và nếp gấp.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, lứa tuổi bị viêm da tiết bã thường từ tuần tuổi thứ 2 đến lúc 6 tháng tuổi. Lúc này hệ thần kinh thực vật ở trẻ hoạt động mạnh, bé tiết mồ hôi nhiều, đặc biệt vùng da đầu.

Ở một số trẻ ngủ nhiều, cha mẹ thường để bé nằm yên khi ngủ, nên phần lưng thường ẩm ướt hoặc trẻ mặc tã trong thời gian dài..., tình trạng này thường gặp ở bé 3 tháng tuổi. Khi bé lớn hơn, phần đầu và thân mình cách xa nhau nên da vùng cổ thông thoáng, bé có khả năng xoay lật khi ngủ nên vùng lưng ít bị ảnh hưởng.

Biểu hiện bệnh viêm da tiết bã

Đối với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ: Thường thấy nhất là nhiều vảy nhờn dính, thường tập trung ở đỉnh đầu và có thể tạo thành lớp dày, lan tỏa khắp da đầu, tạo hình ảnh giống như chiếc mũ (dân gian gọi là "cứt trâu"). Vị trí thường gặp thứ hai là viêm da vùng tã lót, thường biểu hiện đỏ da nhiều hơn là có vảy.

Ngoài ra, có thể gặp ở mặt, vùng nếp gấp (vùng sau tai, vùng nách, vùng bẹn). Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm thêm nấm Candida hay vi trùng.

Bệnh thường khởi phát sớm lúc 2 - 10 tuần tuổi và nhìn chung sẽ hết lúc 8 - 12 tháng tuổi, trước khi có thể xuất hiện trở lại ở tuổi dậy thì. Tất cả nhóm tuổi của trẻ đều có thể bị tình trạng này, ngay cả khi chúng không tạo nhiều tuyến bã như người lớn.

Ở trẻ lớn (vị thành niên): Hầu hết biểu hiện dưới dạng vảy da đầu, dân gian gọi là "gàu".

Có thể dưới dạng mảng vảy kèm ít hồng ban ở các vị trí nhiều tuyến bã nhờn như: Giữa lông mày, giữa trán, giữa 2 lông mày, nếp gấp mũi má, quanh mí mắt, sau tai, trước xương ức, giữa xương bả vai, dưới nếp gấp vú, rãnh sau tai, ống tai ngoài…

photo-1658327326155

Viêm da tiết bã là tình trạng phổ biến gây triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn.

Điều trị viêm da vùng tiết bã ở trẻ

Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị khác nhau, có thể thuốc bôi, dầu gội cho trẻ để kiểm soát vảy da đầu. Nếu bội nhiễm vi khuẩn (rỉ dịch, đóng màu vàng…) sẽ cho dùng thuốc kháng sinh,... Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, cần phải thực hiện đúng chỉ định của các bác sĩ.

Ngoài ra, cha mẹ cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà cho trẻ bị viêm da tiết bã như:

- Vệ sinh vùng da đúng cách, đều đặn. Nên sử dụng các loại dầu gội đầu, sữa tắm dịu nhẹ, vừa làm giảm tình trạng đau rát, vừa cải thiện các mảng bám, bong tróc trên da.

- Tăng cường dưỡng ẩm cho trẻ giúp tăng cường độ ẩm của da, giảm tình trạng khô ráp và ức chế hiện tượng bong tróc. Đồng thời hoạt động này còn hỗ trợ phục hồi tế bào bị tổn thương và tăng sức đề kháng cho da.

- Cần sử dụng các chất làm mềm da dầu trước khi gội đầu cho trẻ. Điều này có thể hạn chế tổn thương da cũng như cải thiện các triệu chứng viêm da dầu.

- Cần tắm, vệ sinh da và gội đầu bằng nước ấm. Sử dụng các sản phẩm xà phòng, chất tẩy rửa dành riêng cho trẻ sơ sinh và rửa sạch xà phòng trên da của bé trước khi lau khô và mặc quần áo.

- Hạn chế làm tổn thương da trẻ, không cạo hoặc gãi các vảy da. Cắt ngắn móng tay hoặc đeo bao tay cho trẻ để hạn chế vô tình làm tổn thương da. Cần massage nhẹ nhàng để làm mềm và giúp trẻ thư giãn. Căng thẳng có thể là một trong những tác nhân có thể gây ra các triệu chứng viêm da dầu.

- Đảm bảo bé ngủ đủ giấc, khoảng 14 - 17 tiếng mỗi ngày để hạn chế căng thẳng và bùng phát các triệu chứng viêm da dầu.

Ngoài ra, nếu thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm da như viêm da cơ địa hoặc viêm da dầu. Trường hợp này cần gặp bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng để kiểm tra và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Tóm lại, viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không phải là tình trạng nghiêm trọng, có thể tự khỏi sau một thời gian. Việc điều trị và phòng ngừa nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các tổn thương cho da của bé. Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.


Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân.


BS. Kim Huệ
Ý kiến của bạn