Nguyên nhân gây bệnh thường do tiếp xúc với các chế phẩm có chứa các hóa chất, có tác dụng tẩy hoặc bào mòn da như các acid, chất xút. Các chế phẩm này được dùng trong sinh hoạt như: xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa; các vật liệu xây dựng như: xi-măng, chất đánh bóng...; các hóa chất sử dụng trong các phòng thí nghiệm...
Điều kiện phát bệnh: Thời gian tiếp xúc kéo dài hoặc tiếp xúc các chất có hoạt tính mạnh, khi tiếp xúc không đeo găng bảo hộ.
Biểu hiện bệnh: Sau khi tiếp xúc với các hóa chất nêu trên thì da bàn tay, bàn chân bị đỏ lên, căng rát, khó chịu, đôi khi đau và sưng phồng. Vài ngày sau sưng bớt đi, da bị bong tróc, nhẹ thì bong các vảy nhỏ như phấn, nặng thì tróc thành các vảy lớn. Nếu vẫn tiếp tục tiếp xúc với các hoá chất thì sự bong tróc da ngày càng tăng lên, có thể nứt nẻ, chảy máu, làm cho bệnh nhân bị đau và ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc, tổn thương da sẽ lan rộng lên cả mu bàn tay, cẳng tay. Cùng với khô da, tróc vảy có thể xuất hiện cả mụn nước, sẩn đỏ. Lúc đầu chỉ có cảm giác châm chích da, đau rát sau đó sẽ bị ngứa. Nếu bệnh nhân gãi nhiều thì sẽ bị nhiễm trùng bồi phụ với các mụn mủ, sưng nề, tấy đỏ. Về nguyên tắc khi bệnh nhân ngừng tiếp xúc các chất gây bệnh thì bệnh cũng đỡ dần đi, trong số này có trường hợp khỏi hoàn toàn nhưng nhiều trường hợp bệnh vẫn còn tồn tại dai dẳng một thời gian dài.
Chăm sóc da: Không dùng xà phòng, không ngâm nước. Hạn chế rửa tay. Ngày chỉ rửa chân 1 lần cùng với tắm. Đi tất thường xuyên. Bôi một trong các chế phẩm làm mềm da, dịu da như: cream vitamine E, physiogel, lacticare... Ngày bôi nhiều lần, quan trọng nhất là bôi sau tắm và sau rửa tay, chân. Các chế phẩm trên có thể bôi kéo dài để khắc phục tình trạng da khô.
Điều trị viêm da tiếp xúc kích ứng: Trước hết phải ngừng tiếp xúc với các chất nghi ngờ gây kích ứng. Nếu có tình trạng viêm kèm theo như: da sần lên, đỏ, cộm, hoặc mụn nước thì bôi một trong các chế phẩm có chứa corticoid hoạt phổ nhẹ như: eumovate, elomet, fucicort, fobancort... Bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần. Có thể uống một đợt các vitamin E, C.
TS. Nguyễn Thị Lai