Nguyên nhân dẫn đến viêm da tiếp xúc
Có hai loại viêm da tiếp xúc:
‑ Viêm da tiếp xúc kích ứng
Viêm da tiếp xúc kích ứng là biểu hiện của phản ứng trên da với các tác nhân sinh học, hóa học, lý học từ bên ngoài. Viêm da xuất hiện khi sự tiếp xúc này thường xuyên và kéo dài. Yếu tố quan trọng nhất trong việc gây ra viêm da tiếp xúc dạng này là lượng và nồng độ của chất kích ứng tiếp xúc với da.
Bệnh thường gặp ở những người hay phải tiếp xúc bàn tay với nước như điều dưỡng, thợ làm tóc, nhân viên pha chế, đầu bếp và nhân viên lau dọn... Những người làm các nghề nghiệp này thường bị viêm da bàn tay.
Bất kì ai cũng có thể bị viêm da tiếp xúc kích ứng bàn tay do chất kích ứng hoặc do thường xuyên rửa tay. Bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng chiếm 80% trong số các trường hợp viêm da tiếp xúc và là bệnh da nghề nghiệp thường gặp nhất.
‑ Viêm da tiếp xúc dị ứng
Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi dị ứng với hóa chất hoặc chất đặc hiệu đã tiếp xúc với da. Ví dụ của các chất này gồm kim loại như nickel, cao su, hóa chất trong nhuộm tóc và nước hoa hoặc chất bảo quản trong kem bôi và mỹ phẩm. Không rõ vì sao có người dị ứng với các chất này trong khi những người khác không bị.
Các chất ít gặp hơn trong trái cây và rau củ có thể gây phản ứng dị ứng ngay lập tức khi chạm vào. Điều này dẫn đến da sưng phù ngứa, được gọi là mày đay tiếp xúc. Điều này có thể dẫn đến đợt cấp của tình trạng viêm da có sẵn trước đó như chàm.
Biểu hiện viêm da tiếp xúc
Đối với viêm da tiếp xúc kích ứng
Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc kích ứng tương đối đa dạng, có thể sắp xếp thành 3 thể chính như sau:
- Thể phản ứng kích ứng: Là biểu hiện nhẹ gồm đỏ da nhẹ, bong vảy, mụn nước hoặc vết trợt và thường xảy ra ở mặt mu bàn tay và ngón tay. Hay xảy ra khi làm các công việc có tiếp xúc với nước. Có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành viêm da tiếp xúc kích ứng tích lũy.
- Thể viêm da kích ứng cấp tính: Xảy ra do tiếp xúc với hóa chất mạnh như acid và kiềm. Biểu hiện nhẹ thì có cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc mày đay thoáng qua. Nếu nặng người bệnh sẽ có biểu hiện đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử. Đặc điểm là xuất hiện nhanh trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với chất kích ứng. Có trường hợp xuất hiện muộn sau khi tiếp xúc với chất kích ứng 8-24 giờ hoặc thậm chí 2 tuần. Thương tổn lành nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần khi ngừng tiếp xúc với chất kích ứng.
- Thể viêm da kích ứng mạn tính: Đây là một bệnh hay gặp xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần với chất có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội đầu,… Bệnh xảy ra sau vài tuần, vài tháng có thể vài năm tiếp xúc với chất kích ứng. Biểu hiện là da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, lichen hóa, giới hạn không rõ với da lành, ngứa. Viêm da bàn tay hay gặp ở nữ hơn do tiếp xúc với các chất kích ứng khi làm công việc nội trợ.
Đối với viêm da tiếp xúc dị ứng
Xảy ra ở những người đã có tiếp xúc với dị nguyên trước đó, có thể vài tuần, vài tháng, vài năm, lúc đầu không gây ra triệu chứng, nhưng khi tiếp xúc nhiều lần gây viêm da.
Biểu hiện muộn hơn so với viêm da tiếp xúc kích ứng, thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên 48-72 giờ.
Nếu là viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính sẽ có xuất hiện ngứa, đỏ, phù, mụn nước dạng chàm, lan tỏa vượt quá vùng tiếp xúc. Bệnh mạn tính có biểu hiện ngứa, đỏ, trợt da, bong vảy, lichen hóa, giống viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính.
Chữa viêm da tiếp xúc như thế nào?
Thông thường, viêm da tiếp xúc thường khỏi sau khoảng 2 – 4 tuần không tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên với một số trường hợp thì thời gian bị viêm có thể kéo dài hơn.
Cũng như những căn bệnh khác, để điều trị bệnh cần phải biết nguyên nhân gây bệnh. Do đó, để chữa viêm da tiếp xúc, trước tiên cần phải tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và hãy dừng việc tiếp xúc với nguyên nhân đó.
Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc nhẹ, có thể tắm bằng bột yến mạch hoặc dưỡng da nhẹ nhàng bằng kem calamine có thể giúp làm giảm triệu chứng.
Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc mức độ nhẹ đến trung bình, có thể sử dụng corticosteroid bôi ngoài da. Tuy nhiên, kem và mỡ steroid được bán sẵn trên thị trường với hiệu lực khác nhau, loại nhẹ nhất không cần kê đơn là kem hydrocortisone 1%. Các loại mạnh hơn khi sử dụng cần phải được bác sĩ chỉ định.
Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc nặng, có thể sử dụng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn để kiểm soát triệu chứng.
Lưu ý, chữa viêm da tiếp xúc nên tránh sử dụng thuốc bôi ngoài da kháng histamin. Nếu người bệnh bị ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định uống một đợt thuốc kháng histamin.
Tóm lại: Viêm da tiếp xúc là vấn đề hay gặp, để phòng viêm da tiếp xúc, nên bảo vệ làn da của mình như đeo găng tay, tránh tiếp xúc da với xà bông và chất tẩy rửa. Cải thiện hàng rào bảo vệ da bằng việc thoa kem dưỡng ẩm không mùi vài lần mỗi ngày. Nên tránh các hóa chất có thể khiến da kích ứng hoặc dị ứng. Khi có bất thường về da không được tự ý dùng thuốc mà cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.