Viêm đa rễ thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

17-10-2024 17:55 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Viêm đa rễ thần kinh là một rối loạn viêm hiếm gặp của hệ thần kinh ngoại biên, làm tổn thương một phần tế bào thần kinh dẫn đến yếu cơ, liệt hoặc rối loạn cảm giác. Tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới hàng năm khoảng 1 đến 2 /100.000 người mỗi năm.

Viêm đa rễ thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa- Ảnh 1.

Hội chứng Guillain-Barre

Viêm đa rễ thần kinh hay còn gọi là hội chứng Guillain-Barre là một bệnh có thể gặp sau vài tuần mắc một số bệnh do vi-rút không đặc hiệu hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Đây là một rối loạn viêm hiếm gặp của hệ thần kinh ngoại biên, làm tổn thương một phần tế bào thần kinh dẫn đến yếu cơ, liệt hoặc rối loạn cảm giác.

Tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu hàng năm khoảng 1 đến 2/100.000 người mỗi năm. Bệnh không di truyền cũng không lây nhiễm, ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và có thể mắc phải trong bất kỳ mùa nào hoặc khu vực địa lý nào. Bệnh hiếm gặp hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên.

    1. Nguyên nhân

Dưới đây là một số tác nhân gây viêm đa rễ thần kinh phổ biến: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, bệnh tiêu chảy do vi khuẩn campylobacter jejuni, nhiễm Cytomegalovirus, nhiễm virus Epstein-barr, nhiễm viêm gan A, B, C, nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người, nhiễm Borrelia burgdorferi, u lympho, chấn thương.

    2. Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong những trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ bị yếu nhẹ khi đi lại, cần phải dùng gậy hoặc nạng. Ở trường hợp nặng hơn, tình trạng có thể tiến triển đến mức bệnh nhân gần như bị liệt hoàn toàn, có thể cần thở máy. Tình trạng yếu vận động tăng trong vòng 2-4 tuần. Sau đó là giai đoạn phục hồi dần dần, kéo dài từ vài tuần đến nhiều tháng. Hầu hết mọi người sẽ phục hồi hoàn toàn ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, nhưng có một số bệnh nhân vẫn tiếp tục bị yếu cơ.

    3. Biến chứng

Biến chứng của viêm đa rễ thần kinh có thể gây ra bệnh tật nghiêm trọng và tử vong. Một số biến chứng  bao gồm loét do tì đè, nhiễm trùng mắc phải trong bệnh viện (như viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu), huyết khối tĩnh mạch sâu. Các biến chứng khác như không thể nuốt an toàn ở những bệnh nhân bị liệt hành tủy; loét giác mạc ở những bệnh nhân bị liệt mặt; và co cứng chi, cốt hóa và liệt do tì đè ở những bệnh nhân bị yếu chi.

Viêm đa rễ thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa- Ảnh 2.

Viêm thần kinh ngoại biên thường xuất hiện ở các chi.

    4. Cách điều trị

Không có cách chữa khỏi bệnh viêm đa rễ thần kinh, nhưng có một số liệu pháp có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Hai phương pháp điều trị thường được sử dụng để ngăn chặn tổn thương thần kinh liên quan đến miễn dịch. Cả hai đều có hiệu quả như nhau nếu bắt đầu trong vòng hai tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Liệu pháp trao đổi huyết tương

Phương pháp điều trị được thực hiện bằng cách lấy toàn bộ máu khỏi cơ thể và xử lý để tách các tế bào hồng cầu và bạch cầu khỏi huyết tương. Sau đó, các tế bào máu được đưa trở lại bệnh nhân mà không có huyết tương, nơi cơ thể nhanh chóng sản xuất thêm huyết tương để thay thế lượng huyết tương đã loại bỏ. Quá trình này giúp xử lí huyết tương chứa thành phần độc hại có thể phá hủy các dây thần kinh ngoại biên ra khỏi toàn bộ máu.

Liệu pháp immunoglobulin

Truyền immunoglobulin được thực hiện thông qua truyền tĩnh mạch. Immunoglobulin chứa các kháng thể khỏe mạnh từ người hiến máu. Liều cao immunoglobulin truyền vào tĩnh mạch được cho là có thể ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch vào hệ thần kinh.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được kê đơn thuốc

- Thuốc an thần và giảm đau

Nên được sử dụng khi cần thiết, giúp bệnh nhân không chống lại máy thở hoặc kéo ống thở và giảm lo lắng.

Thuốc giảm đau đơn giản hoặc thuốc chống viêm không steroid thường không mang lại hiệu quả giảm đau đầy đủ.

Thuốc giảm đau gây nghiện thích hợp có thể được sử dụng nhưng cần theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ trong hoàn cảnh mất thần kinh tự chủ. Liệu pháp bổ trợ bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng, tramadol, gabapentin, carbamazepine hoặc mexilitene có thể hỗ trợ trong việc quản lý lâu dài cơn đau thần kinh.

- Thuốc phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu

Liệt làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể xảy ra ở 5–20% bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barre. Vì lý do này, điều quan trọng là phải bắt đầu phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu sớm. Các thuốc thường được sử dụng để dự phòng ở bệnh nhân nằm viện là:

Heparin trọng lượng phân tử thấp, Heparin không phân đoạn, Fondaparinux.

Heparin trọng lượng phân tử thấp được ưa chuộng hơn Heparin không phân đoạn do dễ dùng (một lần mỗi ngày so với 2 đến 3 lần mỗi ngày) và giảm tỷ lệ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.

Các biến chứng có thể xảy ra khi dùng thuốc: Rối loạn chức năng thận, chảy máu, giảm tiểu cầu do heparin.

    5. Phòng ngừa thế nào?

  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi mà không hỏi trước ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe. 
  • Không lạm dụng các chất kích thích có hại cho cơ thể.
  • Theo dõi và thăm khám định kì nếu đã mắc bệnh để kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường của bệnh và điều trị.

Tin có thể bạn quan tâm:

Phòng viêm đa rễ thần kinhPhòng viêm đa rễ thần kinh

SKĐS - Con tôi năm nay 10 tuổi, vừa qua cháu bị ốm suốt 1 tuần vào bệnh viện tỉnh được biết cháu bị viêm đa rễ thần kinh, hiện tại cháu vẫn đang phải nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh. Xin hỏi bác sĩ bệnh của con tôi có nguy hiểm không, cách phòng bệnh?


DS. Hoàng Vân (Bệnh viện Trung ương Huế)
Ý kiến của bạn