Vậy viêm da quanh miệng do đâu và cách nhận biết, phân biệt với các bệnh ngoài da khác?
1. Nguyên nhân viêm da quanh miệng
Các yếu tố lâm sàng và mô học của các tổn thương tương tự như trứng cá đỏ (rosacea). Bệnh nhân cần điều trị toàn thân và/hoặc tại chỗ, loại trừ các yếu tố phát sinh và yếu tố tâm lý.
Nguyên nhân của viêm da quanh miệng đến nay vẫn chưa rõ; tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy rằng việc sử dụng steroids, mỹ phẩm, chất làm sạch, chất giữ ẩm, dễ bội nhiễm các vi sinh vật cơ hội, để lại sự mất thẩm mỹ do các biến dạng của các tổn thương trên da mặt.
Theo nghiên cứu, viêm da quanh miệng thường gặp ở phụ nữ chiếm 90%, thường ở độ tuổi 20-45. Viêm da quanh miệng có thể xảy ra ở trẻ em.
Nguyên nhân được ghi nhận cho thấy đa số bệnh nhân có lạm dụng các chế phẩm steroid dạng bôi tại chỗ. Không có tương quan giữa nguy cơ viêm da quanh miệng với sử dụng kéo dài steroid hoặc với thời gian lạm dụng steroid. Mỹ phẩm như kem đánh răng chứa Fluor, các loại kem bôi trên da, đặc biệt là các chất nền có chất dầu (petrolatum) hoặc paraffin, chất dung môi có isopropyl myristate.
Việc phối hợp giữa chất giữ ẩm và kem nền có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ viêm da quanh miệng bao gồm:
- Các yếu tố của tia cực tím (UV), sức nóng.
- Các yếu tố của vi sinh bao gồm trực khuẩn Fusiform, chủng Candida và các loại nấm khác.
- Các yếu tố khác như hormon cũng là yếu tố nghi ngờ bởi vì bệnh có thể xấu đi trong thời kỳ tiền mãn kinh, biến động nội tiết tố ở phụ nữ và liệu pháp tránh thai cũng là những yếu tố khởi phát.
Viêm da quanh miệng với tổn thương là các sẩn nhỏ, đồng đều phân bố xung quanh miệng.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm da quanh miệng và phân biệt với các viêm da khác
2.1 Biểu hiện của viêm da quanh miệng
Viêm da quanh miệng lành tính và thường tự giới hạn. Ở một số bệnh nhân, viêm da quanh miệng tự khỏi trong vòng vài tháng mà không cần điều trị bằng thuốc, trong khi ở những bệnh nhân khác có thể tồn tại dai dẳng trong vài năm. Sử dụng corticosteroid tại chỗ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Viêm da quanh miệng thông thường
Viêm da quanh miệng thường biểu hiện bằng nhiều nốt sẩn, sẩn đỏ, sẩn mụn nước, có thể có vảy, kích thước từ 1-2 mm. Các sẩn viêm và đóng vảy của viêm da quanh miệng thường gặp ở vùng quanh miệng, nhưng không thấy ở vùng hẹp xung quanh viền môi. Tổn thương của viêm da quanh miệng có thể gặp ở vùng quanh mũi và quanh hốc mắt.
Viêm da quanh miệng có thể không có triệu chứng hoặc kèm theo cảm giác châm chích hoặc bỏng rát từ nhẹ đến trung bình ở các vùng bị ảnh hưởng. Các tổn thương da thường tự khỏi mà không để lại sẹo.
- Viêm da quanh miệng có u hạt
Đây là một biến thể lâm sàng của viêm da quanh miệng thường xảy ra ở trẻ em trước tuổi dậy thì, thường gặp ở trẻ em da đen vùng biển Afro-Caribbean. Trẻ thường phát triển nhiều sẩn viêm nhỏ, màu thịt, nâu đỏ hoặc nâu vàng ở các vùng quanh miệng, quanh mũi hoặc mắt. Thường không có sẩn mủ và sẩn nước, và đôi khi các vị trí khác ngoài mặt cũng bị ảnh hưởng.
Tổn thương sẩn viêm nhỏ, màu da dạng u hạt quanh mũi và miệng.
2.2. Phân biệt viêm da quanh miệng với loại tổn thương da khác
Cần phân biệt viêm da quanh miệng với các loại bệnh khác như:
- Viêm da dầu: Thường gặp với các ban đỏ, vảy da vùng rãnh mũi má, hiếm khi xuất hiện sẩn mụn mủ và ít gặp ở các vùng da quanh miệng. Viêm da dầu thường xuất hiện tổn thương ở các vị trí khác như: rãnh cung lông mày, da dầu, vùng ngực lưng,…
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Ban đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, có thể có vảy da hoặc vảy tiết. Vị trí thường khởi đầu ở vùng tiếp xúc với dị nguyên và thường gây ngứa và không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh thông thường.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Có thể thấy các sẩn, mụn nước, vảy, ban đỏ hoặc phù nề. Bệnh nhân thường có cảm giác nóng rát nhiều tại tổn thương, thay vì ngứa. Tiền sử tiếp xúc có giá trị để xác định chẩn đoán.
- Chốc: Thường gặp ở vị trí quanh mũi. Tổn thương thường là mụn nước, vảy tiết, vết trợt trên da, hiếm gặp các tổn thương sẩn mụn mủ giống trứng cá.
- Trứng cá thông thường: Sẩn viêm hoặc sẩn mụn mủ có nhân. Sự xuất hiện nhân trên da ủng hộ chẩn đoán trứng cá. Trứng cá và viêm da quanh miệng có thể cùng tồn tại. Không giống như mụn trứng cá, viêm da quanh miệng thường không để lại sẹo.
- Trứng cá đỏ: Sẩn viêm và mụn mủ phân bố chủ yếu ở vùng trung tâm mặt, có thể có ban đỏ và giãn mạch, tổn thương thường xuất hiện ở vùng má hơn so với quanh miệng.
Nấm thân hoặc nấm râu có thể xuất hiện với các sẩn viêm hoặc mụn mủ trên mặt. Không giống như viêm da quanh miệng, nấm da có sự phân bố không đối xứng.
3. Chẩn đoán viêm da quanh miệng
Chẩn đoán viêm da quanh miệng dựa vào tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng. Sự xuất hiện của nhiều sẩn viêm, sẩn mụn nước hoặc sẩn mụn mủ tập trung thành đám trên da quanh miệng, quanh mũi hoặc quanh mắt gợi ý chẩn đoán này.
Các đặc điểm hỗ trợ chẩn đoán viêm da quanh miệng bao gồm: Vùng da gần sát với viền môi. Có các đặc điểm của viêm da dạng chàm. Cảm giác bỏng rát hoặc châm chích. Tiền sử sử dụng corticosteroid tại chỗ hoặc dạng hít, bùng phát sau khi ngừng sử dụng.
Sinh thiết da hiếm khi được chỉ định, chủ yếu để chẩn đoán phân biệt. Đặc điểm mô bệnh học của viêm da quanh miệng không đặc hiệu và thay đổi tùy theo loại tổn thương. Xét nghiệm huyết thanh học không cần thiết để chẩn đoán viêm da quanh miệng.
4. Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm da quanh miệng là bệnh thường gặp ở nữ giới trẻ, có thể gặp ở người lớn tuổi, nam giới và trẻ em. Mặc dù cơ chế bệnh sinh chưa được hiểu rõ nhưng nhiều ghi nhận cho thấy tình trạng sử dụng corticosteroid tại chỗ được báo cáo làm nặng thêm và kéo dài tình trạng bệnh.
Viêm da quanh miệng u hạt là một biến thể của viêm da quanh miệng thường thấy ở trẻ em trước tuổi dậy thì. Vì vậy, việc điều trị viêm da quanh miệng bao gồm việc ngừng sử dụng corticosteroid tại chỗ và tránh các chất kích ứng da.
Người lớn và trẻ em bị viêm da quanh miệng cần thực hiện chỉ định của bác sĩ trong điều trị. Tránh tình trạng tự sử dụng thuốc bôi, thuốc điều trị theo mách bảo dễ dẫn đến hệ lụy.
Trong thời gian điều trị người bệnh tránh dùng các loại mỹ phẩm, chất làm sạch, chất giữ ẩm. Cần xác định các yếu tố gây bùng phát bệnh để loại trừ chúng. Tránh, giảm stress.
Đối với bệnh nhi, phụ nữ có thai, chỉ nên dùng liệu pháp tại chỗ vì các thuốc dùng đường toàn thân thường chống chỉ định.
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng