Viêm da do tiếp xúc với chất tẩy rửa, dùng thuốc gì?

14-02-2019 09:02 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Gần đây, mỗi khi tiếp xúc với nước rửa bát, xà phòng là tay tôi lại thấy đỏ lên và rất ngứa. Vậy tôi bị bệnh gì, có thuốc nào để trị? Xin cảm ơn.

Nguyễn Mai Lan (Hòa Bình)

Với tình trạng của bạn như vậy, rất có thể bạn đã bị viêm da tiếp xúc. Bệnh gây ra do tiếp xúc với chất gây kích ứng, thường gặp nhất là hóa mỹ phẩm như chất tẩy, xà phòng, nước rửa bát, dầu thơm, mỹ phẩm, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc... hoặc các loại cây độc. Tuy không gây hại tới sức khỏe nhưng viêm da tiếp xúc gây khó chịu. Biểu hiện tại chỗ vùng da bị tiếp xúc xuất hiện triệu chứng ngứa, viêm đỏ, phù nề...  Nếu bị nhiều lần ở da chỗ bị viêm thường dày lên do gãi, chà xát...

Khi bị viêm da tiếp xúc cần tránh gãi, vì gãi có thể dẫn đến nhiễm trùng; tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Trong trường hợp của bạn, mỗi khi giặt quần áo hay làm việc bếp núc cần đi găng tay để tránh tiếp xúc  trực tiếp với xà phòng hay nước rửa bát... Nhiều trường hợp chỉ cần loại bỏ được tác nhân gây dị ứng thì bệnh sẽ khỏi.

Một số thuốc có thể dùng như thuốc chống viêm corticosteroide đường toàn thân (uống, tiêm) hoặc tại chỗ (bôi); thuốc chống ngứa (kháng histamin như chlorpheniramine, hydroxyzine... Các thuốc này có thể gây buồn ngủ nên uống vào ban đêm và tránh dùng cho người lái xe, vận hành máy móc hoặc cetirrizin, levocetirizin); thuốc kháng sinh dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn (không được bôi các bột kháng sinh như penicilin, tetracyclin... vào chỗ da ngứa, chảy nước). Ngoài ra, có thể kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.

Trong trường hợp viêm da tiếp xúc vừa và nhẹ không cấp tính (ngứa, rỉ nước vùng da nhỏ) có thể bôi dung dịch milian, rửa thuốc tím hoặc bôi kem corticosteroide như cortibion (chú ý nếu bôi trong 3 ngày không đỡ cần phải đi khám bệnh. Không được bôi thuốc nhiều lần và quá 3 ngày).

Như vậy, tùy vào tình trạng viêm da (nặng hay nhẹ), bác sĩ có thể lựa chọn dùng thuốc phù hợp. Vì vậy, nếu bạn tránh tiếp xúc với chất tẩy rửa mà không đỡ hoặc đã dùng thuốc bôi 3 ngày không đỡ hoặc trong trường hợp nặng (ngứa lan rộng, phản ứng nhiều nơi)...  cần đi khám để được điều trị thích hợp hơn.

DS. Trần Thị Bích


Ý kiến của bạn