Hà Nội

Viêm da do ký sinh trùng

26-12-2013 14:31 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Demodex là một loại ký sinh trùng thuộc ngành động vật chân đốt nhỏ với khoảng 65 loài khác nhau.

Demodex là một loại ký sinh trùng thuộc ngành động vật chân đốt nhỏ với khoảng 65 loài khác nhau. Demodex ký sinh chủ yếu ở nang lông những vùng da mỡ, đặc biệt là ở trán, gò má, hai bên cánh mũi, lông mi, lông mày, lông nách, hoặc ở các vùng kín. Mùa lạnh ít tắm rửa bệnh có thể tăng nặng.

Demodex ký sinh trên da người

Trong số 65 loài, có ít nhất 2 loài Demodex sống ký sinh trên da người, ở nang lông, tóc và ở tuyến bã. Chu kỳ của Demodex gồm 5 giai đoạn: trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và con trưởng thành. Từ giai đoạn trứng đến tiền nhộng khoảng 3 - 4 ngày và 7 ngày từ nhộng phát triển thành con trưởng thành. Demodex thường sống thành đôi, vòng đời từ 18 - 24 ngày trên vật chủ. Sau khi giao phối, chúng đi sâu vào bên trong da và đẻ trứng ở nang lông hoặc tuyến bã, mang theo vi khuẩn và bài tiết chất thải, chết ở trong da ngay sau khi đẻ trứng. Sau khi chết, xác của chúng hóa lỏng và phân hủy trong da và gây phản ứng dị ứng ở một số bộ phận mô da, đốm đỏ. Viêm dị ứng da tại chỗ, ban đỏ, sẩn và mụn mủ là phản ứng bởi hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm tại chỗ. Con cái đẻ 20 - 24 trứng trong nang tóc.

 	Demodex thường gây ngứa da mặt.

Demodex thường gây ngứa da mặt.

Dấu hiệu bệnh

Triệu chứng của viêm da do Demodex thường hay gặp ở da vùng mặt, lứa tuổi trung niên hay mắc bệnh, đặc biệt khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu thì chúng nhanh chóng tăng sinh số lượng con ghẻ và khi đó gây nên tình trạng viêm tại chỗ và nhanh chóng lan rộng.

Bệnh thường lây theo đường tiếp xúc trực tiếp hoặc có thể là do bụi có chứa trứng bám vào da, hoặc đồ dùng chung. Nếu da tiết bã nhờn nhiều, da mặt bẩn, vết thương, môi trường độ ẩm cao như thời tiết mưa phùn gió bấc, mỹ phẩm kích ứng... là các yếu thuận lợi cho bệnh phát triển và lan rộng nhanh chóng. Demodex có thể sống mọi nơi trên cơ thể, chỗ có nang lông và tuyến bã, nhiều nhất ở mặt đặc biệt ở mũi, trán, cằm và má. Những khu vực này có điều kiện thích hợp nhất để chúng sống, sinh sản và là nơi có nhiệt độ thuận lợi nhất cho chúng phát triển.

Loài Demodex folliculorum thường sống ở chân lông mi và có thể đó là lý do gây ra viêm, ngứa và nhiễm khuẩn mi mắt. Chân tóc cũng thường bị nhiễm khuẩn với biểu hiện ngứa. Do miệng của Demodex sắc nên chúng có thể cắn đốt trong tế bào để hút chất dinh dưỡng. Chúng ăn những tế bào chết, chất dầu có trong chất bã nhờn tiết ra từ các tuyến trên bề mặt da, chúng di chuyển chậm với vận tốc 8 - 16cm trong 1 giờ và thích nghi trong môi trường ẩm, ấm và thường hoạt động nhiều nhất vào ban đêm. Sống bên trong các tuyến bã nhờn và nang lông, sau khi giao phối chúng đào hang vào da, đẻ trứng, gây nhiễm khuẩn da. Trong suốt chu kỳ phát triển, loại côn trùng này phá hủy lớp da mà chúng ký sinh hoặc những nơi da thường bài tiết chất nhờn để tại đó chúng đẻ trứng và chết. Sau khi chết, xác chúng trở thành chất lỏng và phân hủy bên trong da gây phản ứng dị ứng ngứa.

 	Demodex ký sinh trên da và nang lông.

Demodex ký sinh trên da và nang lông.

Biểu hiện bệnh đa dạng: Ký sinh trùng Demodex có thể tồn tại trên da người khỏe mà không có biểu hiện lâm sàng. Hầu hết bệnh nhân bị bỏ sót, không được chẩn đoán viêm da do Demodex mà thường chẩn đoán nhầm với bệnh viêm da tiếp xúc, trứng cá đỏ hoặc viêm da quanh miệng. Do tổn thương hay gặp ở vùng mặt, nên người bệnh bị ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh nhân có số lượng lớn Demodex trên vảy da, nang lông hoặc khi cơ thể suy giảm miễn dịch, chúng gây bệnh. Bệnh viêm da do Demodex có 3 thể bệnh chính: Thể viêm nang lông dạng vảy phấn là thể nhẹ nhất, biểu hiện thương tổn là các đám da đỏ, bề mặt có những vảy da, nút sừng ở nang lông, cảm giác kiến bò trên da; Thể viêm da dạng trứng cá; Thể trứng cá đỏ thể u hạt, gặp ở những người suy giảm miễn dịch.

Tổn thương do Demodex gây ra là các đám đỏ da, mụn mủ, sẩn đỏ, giãn mạch, có thể gây rụng lông mày, lông mi, rụng tóc, viêm bờ mi, ngứa như cảm giác kiến bò, rát vùng tổn thương. Ở vị thành niên, bệnh này thường bị chẩn đoán nhầm là mụn trứng cá. Nếu viêm da nhiều lần và nặng thường để lại da mặt thô ráp và xấu.

Điều trị

Phải diệt ký sinh trùng càng sớm càng tốt, chống bội nhiễm. Khi đã loại bỏ Demodex, tình trạng nhiễm khuẩn sẽ dừng lại, các vết thương sẽ lành, lỗ chân lông sẽ trở nên nhỏ hơn và chất dầu sẽ giảm tiết hơn. Bôi mỡ salicylic, thoa mỡ hoặc gel metronidazole kèm theo uống metronidazole hoặc ivermectin sẽ giảm nhanh triệu chứng cho bệnh nhân. Nên thoa thuốc vào lông mi vào ban đêm để tránh hiện tượng đào hầm hoặc loại ký sinh trùng ra khỏi vùng nhiễm nang lông.

Lời khuyên của bác sĩ

Phòng bệnh rất quan trọng vì loại ký sinh trùng này dễ lây lan từ người này sang người khác. Tốt nhất là bệnh nhân nên vệ sinh da mặt mỗi ngày; tẩy tế bào chết định kỳ để loại bỏ nơi trú ẩn và thức ăn của ký sinh trùng. Các chuyên gia khuyên nên chăm sóc tại nhà, gồm lau rửa mí mắt 2 lần/ ngày bằng xà phòng và dùng mỡ kháng sinh vào ban đêm cho đến khi hết các triệu chứng. Dùng xà phòng gội đầu mỗi ngày. Có thể dùng sữa hoặc xà phòng diệt khuẩn rửa mặt hàng ngày. Thường xuyên giặt sạch khăn trải giường, vỏ gối. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân như bắt tay, dùng chung quần áo, ôm, hôn nhau...

BS. Ninh Thanh Tùng

 

 


Ý kiến của bạn