Hà Nội

Viêm da do ánh nắng: Cách nhận biết và xử trí

25-07-2020 16:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm da do ánh nắng là phản ứng viêm da cấp hay mạn tính vì tiếp xúc quá nhiều hay nhạy cảm với ánh nắng. Bệnh do nhạy cảm ánh nắng ở những người dễ bị cháy nắng hơn bình thường, hoặc dị ứng với ánh sáng, tổn thương là các sẩn hay mụn nước.

Những chất gây cho da nhạy cảm với ánh nắng là một số thuốc, do sử dụng nước hoa hay mỹ phẩm, do phun tẩm chất chống nhiễm khuẩn và một số hóa chất khác. Ở một số người cơ thể đặc ứng với ánh nắng khi mắc các bệnh: rối loạn chuyển hóa, rối loạn bẩm sinh như phenylketon niệu, khô da sắc tố...

Cách nhận biết

Sau một thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, bệnh nhân có các triệu chứng: phản ứng viêm da cấp tính, khi tổn thương đủ nặng thường kèm theo đau. Đỏ da, phù, mụn nước và chảy nước ở vùng tiếp xúc với ánh nắng. Hay gặp hiện tượng bong vảy và thay đổi sắc tố sau khi viêm da cấp. Đặc điểm cơ bản để chẩn đoán là dựa vào vị trí của thương tổn đối với ánh nắng, mặc dù những thương tổn có thể lan rộng cùng với thời gian đến những vùng được che kín không tiếp xúc với ánh nắng. Các triệu chứng cần thiết cho chẩn đoán là: ban đỏ, phù và nổi mụn nước ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng như ở mặt, cổ, tay và vùng chữ “V” cổ áo trước ngực. Trong khi vùng dưới cằm và mi mắt trên không có tổn thương. Môi hay bị thương tổn đa hình thái do ánh nắng khi bị ánh nắng chiếu lâu và không được uống nước đầy đủ thường xuyên. Triệu chứng đường ruột, khó chịu và thậm chí kiệt sức ít gặp. Có thể dùng xét nghiệm băng dán ánh sáng để chẩn đoán viêm da do ánh nắng.

Nhận biết viêm da do ánh nắng.

Nhận biết viêm da do ánh nắng.

Viêm da do ánh nắng cần phân biệt với các bệnh sau đây: Viêm da tiếp xúc là bệnh gây nên bởi một số dung dịch gây rám nắng cũng tổn thương ở những vùng da hở giống viêm da do ánh nắng; để phân biệt cần bôi dung dịch này vào vùng da mặt trước cánh tay hoặc sau lưng hằng ngày trong thời gian 1-2 tuần và phải tránh ánh nắng rồi dựa vào tổn thương có hay không. Phân biệt với các bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin, Luput ban đỏ bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu...

Tuy nhiên, có rất nhiều chẩn đoán phân biệt, khi tiền sử về sử dụng thuốc bôi hay thuốc toàn thân là thuốc nhạy cảm với ánh sáng rõ ràng thì không có giá trị, và khi thương tổn tồn tại lâu và tiến triển nặng lên thì cần phải làm sinh thiết da và test ánh sáng. Viêm da do ánh nắng cần phải được phân biệt với viêm da tiếp xúc là bệnh có thể gây nên bởi một trong nhiều chất có trong dung dịch hay dầu gây rám nắng, vì những thương tổn này có vị trí khu trú giống nhau.

Đối với người có nước da trắng thì sự tích lũy chậm tác động lên da có thể gây bệnh dày sừng và ung thư da. Một số ít bệnh nhân tiếp tục phản ứng với ánh nắng một cách mạn tính kể cả khi họ không còn dùng các thuốc gây nhạy cảm với ánh nắng. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường trên da cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị. Tuyệt đối không tự ý bôi bất kỳ loại thuốc gì theo mách bảo tránh xảy ra tai biến.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi phải làm việc hay hoạt động ngoài trời nắng có thể dùng kem chống nắng là một chất có lợi cho những người nhạy cảm ánh nắng. Tuy nhiên đối với bệnh nhân có phản ứng điển hình với một lượng nhỏ ánh nắng thì kem chống nắng đơn độc có thể không đủ để phòng bệnh. Có thể bôi các chất chống nắng trong kem chống nắng như PABA và oxybenzon, dioxybenzon... trước khi ra nắng, nhưng cần lưu ý rằng đôi khi bản thân PABA và oxybenzon có thể gây nhạy cảm ánh nắng và gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Một vài loại kem chống nắng không chứa PABA có hiệu quả tốt. Các loại kem chống nắng thông thường chỉ chống các tia UVB gây “bỏng” có bước sóng trung bình mà không chống được UVA gây “rám” nắng có bước sóng dài là nguyên nhân của hầu hết các nhiễm độc da do ánh nắng bởi dùng thuốc. Nên dùng các loại kem chống nắng ít nhất có 15 SPF và SPF trên 15 cho những bệnh nhân nhạy cảm với ánh nắng.


ThS. Phạm Vũ Hoàng
Ý kiến của bạn