Hồ Thị Thu Hà (Nam Định)
Viêm da dị ứng là bệnh viêm da mạn tính, kéo dài, hay tái phát. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào ở da trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở vùng mặt và tay chân. Bệnh có xu hướng bùng phát từng đợt theo chu kỳ nhất là khi thời tiết thay đổi, khô hanh.
Triệu chứng chính là da vùng tổn thương bị tấy đỏ, chảy nước, đóng váng đóng vẩy. Vòng xoắn bệnh lý là: ngứa - gãi - nổi ban - càng ngứa. Đặc biệt khi thời tiết hanh khô dễ bị ngứa, càng gãi thì da bạn càng bị kích ứng và sưng tấy. Vì vậy, lúc này, việc điều trị da khô rất quan trọng bằng các thuốc làm dịu có tác dụng làm ẩm da và tái lập lớp hydro lipid của da. Nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm hoặc chất bảo quản. Loại kem này phải chứa các chất có khả năng thâu tóm và giữ nước ở vùng lớp sừng.
Trong những đợt kịch phát, bệnh gây ngứa rất nhiều ở những vết thương tổn, có thể sử dụng thuốc điều trị bao gồm: Thuốc bôi corticosteroid, ức chế calcineurin, doxepin, kem kháng sinh khi có bằng chứng bội nhiễm; sử dụng tia UV với liều điều trị; thuốc uống kháng histamin, kháng sinh nếu tình trạng bội nhiễm nặng không kiểm soát được bằng kháng sinh tại chỗ; thuốc ức chế miễn dịch đường uống như corticosteroid, cyclosporine A, azathioprine…; điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên khi có các bệnh phối hợp như hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Bạn tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị khi không có kiến thức chuyên môn về y học.
Bệnh viêm da dị ứng gây khó chịu và nhiều biến chứng nếu bạn dùng thuốc không đúng, vì vậy, khi nghi ngờ bị viêm da dị ứng bạn nên đến khám ở chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng. Khi có làn da mẫn cảm với thời tiết, nhiệt độ, bạn không nên tắm nước quá nóng, tránh các thành phần dễ gây kích ứng da, tẩy rửa mạnh, bôi kem ngay từ khi mới đầu vào mùa hanh khô và luôn luôn giữ cho da sạch sẽ và vệ sinh môi trường sống cũng là vấn đề bạn cần lưu ý để hạn chế bệnh tái phát.