Bệnh viêm da dị ứng là bệnh khá hay gặp mùa hè bởi mùa hè là ở mọi lứa tuổi và do nhiều tác nhân gây ra. Bệnh viêm da dị ứng do côn trùng không phải là bệnh phức tạp. Nhưng nếu điều trị không tốt, có thể làm cho vết thương ngày càng lan rộng. Và biện pháp điều trị không đúng có thể biến một vết tổn thương viêm da dị ứng hoàn toàn vô khuẩn thành một vết tổn thương có nhiễm khuẩn, càng ngày càng nặng lên.
Càng bôi càng mủ
Vừa qua, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Đào Trung Th. (28 tuổi, Yên Mỹ, Hưng Yên). Sau khi đi chơi tối về, Th. thấy ngứa và hơi bất thường ở phía sau tai phải. Nghĩ là có con gì đó bò vào tai nên anh đưa tay ra phía sau tai, vuốt và miết nhằm tiêu diệt con côn trùng. Sau đó, anh cũng không để ý đến nữa. Sáng hôm sau, phát hiện ra tai của mình sưng lên và có vẻ hơi nề đỏ, Th. đến hiệu thuốc mô tả triệu chứng bệnh của mình. Người bán thuốc xem xem rồi bảo có thể bị zona thần kinh (một bệnh rất hay nhầm với viêm da dị ứng). Nhân viên bán thuốc bán cho Th. lọ hồ nước và bảo zona là bệnh do virut gây ra nên không có cách nào chữa khỏi. Chỉ cần bôi hồ nước rồi vài ngày sau sẽ hết.
Vành tai tấy mủ có các nốt phỏng nước của bệnh nhân Th.
Th. về nhà làm theo. Mới bôi thì mát. Nhưng sau đó, chừng độ 12h sau, anh thấy rát hơn. Anh ra hiệu thuốc thắc mắc thì nhân viên bán thuốc nói “có phải thuốc tiên đâu mà đỡ nhanh thế”. Th. về nhà và lại kiên trì bôi tiếp. Đến ngày thứ 2 thì anh đau thực thụ. Sang ngày thứ 3, anh thấy có màu vàng ở vị trí bôi hồ nước. Mặt khác, anh thấy vùng tai tổn thương nóng và vô cùng khó chịu. Vì vậy, anh đã quyết định dừng hồ nước và đến khám chỗ chúng tôi.
Đến với chúng tôi, tai của Th. trong tình trạng sưng nề đỏ, có một mảng hồ nước dầy phía sau tai. Trên bề mặt của lớp hồ nước đó có một khe dịch rỉ vàng chảy ra. Tiến hành khám xét, dùng nước muối chấm cho sạch hồ nước, chúng tôi nhận ra một vệt nốt phỏng nước, có mủ phía dưới. Nốt phỏng nước khá to và có vẻ lan ra rộng hơn, gần sát với vành tai. Chúng tôi phát hiện ra anh không phải bị zona mà bị viêm da dị ứng do côn trùng. Có 2 điều chúng tôi lo ngại: nếu không điều trị tích cực, các nốt phỏng nước kia sẽ hóa mủ và đang tiến trình hóa mủ rồi; thứ nữa, các nốt phỏng ngay ở khe vành tai, nếu không điều trị ngay, các nốt này ăn sâu sẽ làm thủng sụn vành tai.
Biến chứng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu điều trị không đúng cơ chế.
Đừng bôi trát
Bệnh viêm da dị ứng là bệnh khá hay gặp. Côn trùng phát triển càng mạnh thì càng có cơ hội tiếp xúc với bề mặt da và gây ra viêm da dị ứng. Khả năng mắc bệnh của mỗi người rất khác nhau. Người nào chuyên làm việc văn phòng, ít ra ngoài trời, khi tiếp xúc với côn trùng có thể bị dị ứng ngay do cơ địa dễ nhạy cảm với côn trùng. Ngược lại, những người nào làm việc ngoài trời nhiều, tiếp xúc với côn trùng nhiều sẽ có sự thích nghi và giảm khả năng mẫn cảm, nguy cơ dị ứng sẽ thấp hơn. Đó là lý do tại sao có người bị côn trùng bò lên cổ mà chưa sao trong khi đó người khác có thể bị nốt đầy ở cổ.
Viêm da dị ứng do côn trùng có cơ chế gây bệnh chính là các nguyên tố gây dị ứng. Nguyên tố gây dị ứng có thể do nước dãi của côn trùng, nước tiểu, phân, lông, chất tiết từ miệng, từ bụng, từ nọc châm gây ra. Những nguyên tố này có đặc điểm gây dị ứng mạnh và phát bệnh ngay sau đó chừng độ 30 phút - 2 giờ sau đó. Muốn điều trị bệnh phải loại bỏ nguyên tố dị ứng ra khỏi vùng da bị nhiễm.
Bệnh viêm da dị ứng có 4 triệu chứng rất điển hình: đỏ da, ngứa da, nổi sẩn và nổi mụn nước. Đỏ da, ngứa da, nổi sẩn là những triệu chứng rất trung thành, bao giờ cũng có. Càng đỏ càng ngứa, càng ngứa càng gãi, càng gãi càng xây sát, càng xây sát càng làm cho nguyên tố dị ứng xâm nhập sâu, càng đi vào sâu càng dị ứng mạnh, càng ngứa và gãi mạnh hơn. Chính sự cào gãi của bệnh nhân đã vô tình làm cho bệnh lan rộng hơn không kiểm soát.
Trong một số trường hợp nhạy cảm quá mức hoặc nhiễm bệnh nặng hơn, trên vùng da dị ứng có thể xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước này có nước và có thể có mủ phía dưới. Mụn nước sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn và làm cho bệnh trở thành bệnh hỗn hợp, phức tạp, khó điều trị.
Điều phiền phức nhất trong bệnh viêm da dị ứng là bôi trát các thuốc không đúng sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Các thuốc này sẽ tạo màng hoặc bít kín hoặc ủ vi khuẩn tại vị trí tổn thương, biến một tổn thương đơn thuần thành một tổn thương phức tạp. Vì thế, rất kỵ tự bôi trát thuốc trong trường hợp này.
Tốt nhất, hãy tự nhận biết ra bệnh bằng 3 triệu chứng cơ bản: đỏ da, ngứa da, nổi mẩn. Sau đó đi khám để được điều trị. Việc điều trị chỉ cần dùng các thuốc chống dị ứng là bệnh sẽ khỏi sau 3-5 ngày. Thuốc chống dị ứng có nhiều loại và nhiều thế hệ, mức giá tiền cũng khác nhau đi kèm với hiệu dụng khác nhau. Trong khi điều trị, cần chú ý một điều hết sức quan trọng: đừng cào gãi, đừng miết quệt sẽ làm cho tổn thương nặng thêm. Khi vệ sinh, chỉ cần chấm nhẹ nhàng khăn ướt lên vùng đó mà không lau thành một vệt dài như thông thường. Làm được như vậy sẽ làm thu hẹp tổn thương và bệnh sẽ chóng khỏi.