Việc tái khám sau điều trị viêm dạ dày giúp xác định tình trạng viêm dạ dày, đánh giá hiệu quả điều trị và phòng ngừa các biến chứng tiềm ẩn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày, trong đó có thể kể đến:
- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) từ bên ngoài vào trong cơ thể, đặc biệt ở đường tiêu hóa. Chúng sản sinh enzyme urease kích thích tăng sinh kháng viêm khiến niêm mạc dạ dày bị ảnh hưởng.
- Lạm dụng bia rượu thường xuyên.
- Ăn uống kém khoa học, không đúng giờ giấc, ăn quá no hay quá nhanh lúc bụng đói sẽ kích thích dạ dày một cách đột ngột, ăn nhiều thức ăn chua cay nóng, nhiều dầu mỡ hay không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh hay thuốc hạ sốt, giảm đau sẽ khiến người bệnh dễ bị trào ngược dạ dày hay viêm dạ dày cấp tính.
- Thường xuyên căng thẳng trong thời gian dài có thể đi kèm thói quen ăn uống không khoa học sẽ dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của hệ thần kinh, tác động đến dạ dày.
- Viêm dạ dày tự miễn (rối loạn tự miễn dạ dày) xảy ra khi cơ thể bị rối loạn miễn dịch gây viêm teo niêm mạc dạ dày ở vùng thân vị.
Khi nào cần tái khám, nội soi dạ dày?
Việc tái khám và nội soi dạ dày tùy thuộc vào từng bệnh nhân, mức độ trầm trọng của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Thông thường đối với người không có triệu chứng và không có yếu tố nguy cơ cao, nên tiến hành nội soi dạ dày định kỳ 2 - 3 năm một lần. Điều này giúp kiểm tra và phát hiện sớm các bất thường có thể xảy ra.
Đối với người có yếu tố nguy cơ cao hay người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày thì mỗi 1 - 2 năm một lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư.
Người mắc các bệnh lý mạn tính về dạ dày, người bị viêm loét dạ dày tái phát, polyp dạ dày hoặc các bệnh lý khác nên thực hiện nội soi theo chỉ định của bác sĩ, thường từ 1 - 2 lần trong 1 năm.
Người bị viêm dạ dày nên ăn như thế nào?
Một số thói quen trong khi nấu ăn hoặc ăn uống có thể khiến cho tình trạng viêm dạ dày trở nên nặng hơn. Do đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Thức ăn cần thái nhỏ, nấu chín kỹ và mềm. Ưu tiên luộc hoặc hấp thay vì xào, rán hay chiên để thức ăn dễ hấp thu và tiêu hóa hơn.
- Tránh ăn các loại thức ăn cứng, đặc hoặc thức ăn quá lỏng và nhiều nước, chúng sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa.
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Chúng sẽ làm gia tăng cơn đau. Thức ăn ấm là tốt nhất cho tiêu hóa.
- Ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn sẽ giúp giảm bớt tác động của acid dạ dày.
- Không để bụng quá đói hoặc ăn quá no. Dạ dày rỗng hay dạ dày căng đều ảnh hưởng không tốt đến chứng viêm dạ dày, chúng có thể làm gia tăng cơn đau và sự khó chịu cho bạn.
- Không nên ăn thức ăn sống, đặc biệt là hải sản sống.
- Khi ăn nên ăn chậm và nhai kỹ nhằm gia tăng bài tiết nước bọt, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Không đọc sách, xem tivi hay sử dụng điện thoại trong lúc ăn. Chúng có thể khiến bạn ăn nhanh hơn, nhai không kỹ và không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể.
Thời gian viêm dạ dày kéo dài bao lâu từ khi bắt đầu điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài việc tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, bạn cần kiêng ăn một số loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày như thực phẩm cay, chiên, béo, rượu bia và caffein... để việc điều trị được hiệu quả hơn.
Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày sẽ nhanh chóng cải thiện ngay khi bắt đầu điều trị. Nếu các triệu chứng viêm dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn một tuần, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại. Đặc biệt là nếu bạn bị sụt cân, nôn ra máu hoặc đi phân ra máu.