Viêm dạ dày cấp có để lại di chứng?

02-07-2019 09:24 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Em trai em mới đây phải vào viện cấp cứu vì đau bụng, sau đó được chẩn đoán là viêm dạ dày cấp. Ngày hôm sau đỡ đau, về nhà và uống thuốc. Sau đó do không đau nữa nên em trai em không đi khám lại. Xin hỏi viêm dạ dày cấp có để lại di chứng nào không? Có dễ bị lại không?

Nguyễn Thu Hạnh (Hải Phòng)

Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính là khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Đặc điểm lâm sàng của viêm dạ dày cấp là xuất hiện nhanh, mất đi nhanh và không để lại di chứng. Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp có thể do: virut, vi khuẩn và độc tố của chúng; Thức ăn nóng quá, lạnh quá, cứng khó tiêu, nhai không kỹ hoặc bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do tụ cầu, E.coli, rượu, chè, cà phê, mù tạt...; Do thuốc (aspirin, natrisalicylat, quinin, sulfamid, cortancyl, phenylbutazol, reserpin, digitalin, kháng sinh...); Các chất ăn mòn (muối kim loại nặng, thủy ngân, kiềm, acid sulphuric, acid chlothydric nitrat bạc...); Các kích thích nhiệt, dị vật. Viêm dạ dày cấp cũng xảy ra do các yếu tố nội sinh tràn vào máu gây ra viêm dạ dày cấp, thường gặp trong các bệnh sau: Các bệnh nhiễm khuẩn cấp (cúm, sởi, bạch cầu, thương hàn, viêm phổi, viêm ruột thừa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thoát vị hoành...); Urê máu cao, tăng thyroxin, tăng đường máu; Bỏng, nhiễm phóng xạ, các stress nặng, chấn thương sọ não, u não, sau phẫu thuật thần kinh, tim, shock, bệnh tim, phổi cấp, xơ gan...; Dị ứng thức ăn (tôm, ốc, sò, hến...). Quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, hồi phục nhanh và hoàn toàn. Tuy không để lại di chứng nhưng viêm dạ dày cấp nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mạn vì niêm mạc bị phá hủy liên tiếp cùng vai trò của cơ chế miễn dịch. Do vậy, người từng bị viêm dạ dày cấp cũng nên cẩn thận tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh kể trên.


BS. Nguyễn Thông
Ý kiến của bạn