Viêm da cơ địa thường tái phát mùa hanh khô, dùng thuốc nào?

10-12-2021 18:16 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám da liễu. Điều đó đã cho thấy mức độ phổ biến của bệnh lý này. Bệnh thường hay tái phát, nhất là trong thời tiết hanh khô. Vậy cần dùng thuốc thế nào, chăm sóc da ra sao? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Viêm da cơ địa dễ mắc ở độ tuổi nào?

Viêm da cơ địa có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ví dụ như chàm sữa là dạng viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Gọi là chàm sữa là do bệnh ở giai đoạn thức ăn chủ yếu của bé là dùng sữa chứ không phải chàm da do sữa. Bệnh thường không xuất hiện ở giai đoạn sơ sinh một tháng đầu mà bắt đầu sau đó.

Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ (2 tuổi -12 tuổi): Đây là giai đoạn chuyển tiếp khi trẻ đã bắt đầu tiếp xúc với nhiều loại dị nguyên là các loại thức ăn khác nhau. Trẻ có thể hết bệnh ở giai đoạn độ tuổi này và không tái lại sau đó. Tuy nhiên cũng có trẻ sẽ mang bệnh lý cơ địa này tiếp tục và chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Viêm da cơ địa - điều trị và chăm sóc thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ.

Viêm da cơ địa người lớn (trên 12 tuổi): Nếu ở độ tuổi này mà vẫn còn viêm da cơ địa thì gần như là bệnh sẽ có tính chất mạn tính. Bệnh sẽ có mức độ ngày càng tăng khi tuổi tác tăng do sự cộng gộp của lão hóa da.

2. Thuốc chữa viêm da cơ địa

Điều trị viêm da cơ địa cần cần phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ chuyên khoa da liễu và bệnh nhân để đạt hiệu quả. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ chưa biết cách tự bôi thuốc, giữ gìn da thì người lớn cần hỗ trợ trẻ rất nhiều. Việc đi khám và tái khám là rất cần thiết để tùy từng giai đoạn bệnh, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

Trong giai đoạn cấp tính, với triệu chứng như da nổi các sẩn viêm, mụn nước, đỏ da, ngứa nhiều… có thể cần sử dụng các thuốc giảm viêm giảm ngứa, dạng bôi hoặc uống như kháng histamine, nhóm steroid.

- Thuốc bôi tại chỗ thương tổn:

+ Có thể dùng corticoid (betamethasone, fucdicin…). Tùy theo hàm lượng, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp với lứa tuổi cũng như tình trạng viêm da cơ địa.

Các thuốc corticoid rất có hiệu quả đối với nhiều bệnh, trong đó có bệnh viêm da cơ địa. Nhưng thuốc có khá nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng sai liều, không đúng cách, lạm dụng dùng thuốc lâu dài. Do đó đây là thuốc có chỉ định chặt chẽ, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn.

+ Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ như mupirocin, neomycin… có thể được chỉ định kết hợp cùng corticoid để tăng hiệu quả chống bội nhiễm, chống tổn thương lan rộng. Ở một số bệnh nặng, có thể cần kết hợp kháng sinh đường uống để chống bội nhiễm tụ cầu vàng.

Trong một số trường hợp, các thuốc bôi chứa zinc acetate, isotretinoin, benzoyl peroxide, acid salicylic cũng có thể được chỉ định thoa kết hợp để giúp đẩy các tế bào da bị sừng hóa, chống viêm và làm mềm da.

- Thuốc chống ngứa:

Để giảm triệu chứng dị ứng và ngứa, cần uống thuốc kháng histamin (như hydroxyzine, desloratadine, cyclixine…), dùng theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc có tác dùng giảm ngứa nên giúp bệnh nhân dễ chịu và hạn chế tình trạng gãi, chà xát khiến tổn thương nặng hơn.

Do người bệnh viêm da cơ địa có đột biến gen dẫn đến các cầu nối giữa các tế bào thượng bì da không được tốt như da bình thường. Các yếu tố khác như khả năng giữ độ ẩm tự nhiên trong da cũng ít hơn da bình thường. Do đó, dẫn đến da dễ bị mất nước lên bề mặt và không giữ được độ ẩm tốt khiến da mất độ ẩm, dễ khô tróc vảy. Ngoài ra sự liên kết không được chặt giữa các tế bào da khiến các dị ứng nguyên cũng như vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh da như mẩn ngứa hơn bình thường.

Chính vì thế điều trị viêm da cơ địa mạn tính để tránh bùng phát đợt cấp, cần chú ý cấp ẩm cho da hằng ngày bằng bôi hoặc sử dụng sữa tắm có kem.

Các thuốc chống viêm không phải là corticoid như tacrolimus có thể được sử dụng giai đoạn này để chống viêm, chống ngứa. Thuốc không gây tác dụng phụ như corticoid nên có thể sử dụng lâu dài, nhưng người bệnh vẫn cần cẩn trọng khi sử dụng. Bởi thuốc có nguy cơ gia tăng gây viêm nhiễm và ở một số nghiên cứu có bằng chứng sử dụng thuốc kéo dài gây nguy cơ ung thư da.

3. Cách chăm sóc da tại nhà để tránh bùng phát viêm da cơ địa cấp

Để việc điều trị viêm da cơ địa hiệu quả, thì ngoài việc dùng thuốc trong những đợt cấp, bệnh nhân còn cần biết cách chăm sóc cho da. Kết hợp thuốc với sản phẩm dưỡng ẩm để tạo độ ẩm thay thế do sự khiếm khuyết vốn có trên các làn da viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa - điều trị và chăm sóc thế nào? - Ảnh 3.

Viêm da cơ địa nếu không được chăm sóc cần thận sẽ dễ xảy ra bội nhiễm.

Ngoài ra, chăm sóc tại nhà còn có thể lưu ý thêm những việc sau:

  •  Không cào gãi chỗ tổn thương và các khu vực xung quanh bị ảnh hưởng, để tránh tạo vòng lặp càng viêm, ngứa thêm.
  •  Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng (nếu đã được xác định và cần xác định để loại trừ. Đây là việc làm rất cần thiết để tránh các cơn viêm cấp bùng phát.
  •  Không chà xát khi da đang khô, điều này cũng kích ứng bùng phát viêm da cơ địa.
  •  Tắm rửa bằng các sữa tắm dịu nhẹ, không xà phòng, hương liệu. Bôi lại kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.
  • Tránh tắm bằng nước nóng quá lâu dễ làm da mất nước.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Thực hư biến thể Omicron có thể chính là "vaccine sống"? | SKĐS

ThS.Lan Anh
Ý kiến của bạn