Viêm da cơ địa: Những điều cần biết

18-03-2020 10:04 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm da cơ địa gây ra nỗi ám ảnh với nhiều người bởi lẽ khi tái phát, vùng da bị viêm trở nên co cứng, nứt nẻ, chảy máu và ngứa ngáy rất khó chịu. Bệnh thường khởi phát từ tuổi nhỏ có thể kéo dài suốt đời.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa

Nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa chưa được biết rõ. Cơ địa dễ dị ứng kết hợp với các yếu tố từ môi trường bên ngoài và sự hoạt động của hệ thống miễn dịch chính là nguyên nhân khởi phát bệnh hoặc làm bệnh trở nặng hơn.

Dị nguyên ở trong môi trường rất đa dạng, thường gặp nhất là bụi, phấn hoa, len dạ, mạt nhà hoặc các loại côn trùng, thức ăn như trứng, sữa, cá, đậu phộng. Chúng kích hoạt các tế bào lympho T và các đại thực bào, khởi động quá trình hoạt động của hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, dị nguyên còn có thể xuất hiện ngay từ bên trong cơ thể có khả năng gây kích hoạt lympho T tương tự như những yếu tố bên ngoài.

Sự suy giảm chức năng của hàng rào bảo vệ tự nhiên của da là một trong những yếu tố làm bệnh diễn tiến nặng nề hơn. Lớp ceramic trên bề mặt da không còn toàn vẹn gây mất nước, giảm độ ẩm của da khiến bệnh nặng hơn và khó điều trị.

Viêm da cơ địa cần được điều trị dứt điểm

Hầu hết tình trạng da bị viêm đều gây cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Nhưng viêm da cơ địa nguy hiểm ở chỗ nó tái đi tái lại nhiều lần và có thể lan rộng đến nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể, việc điều trị rất tốn kém, mất thời gian. Bệnh này không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng nó cần được điều trị dứt điểm vì có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:

Viêm da cơ địa gây nhiễm trùng da hoặc bội nhiễm vi khuẩn nếu người bệnh gãi nhiều. Việc gãi vùng da bệnh không những làm tổn thương da mà đó còn là điều kiện để vi khuẩn từ móng tay tiếp xúc với vết thương và gây nhiễm trùng, lở loét hoặc không cẩn thận còn gây hoại tử.

Viêm da cơ địa bội nhiễm do virus thì còn gây sốt, mọc mụn nước trên da, tổn thương nội tạng và có thể gây tử vong nếu bệnh tiến triển nặng.

Viêm da cơ địa mãn tính nếu điều trị sai hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khiế người bệnh bị mẩn đỏ toàn thân, bị sốt rét, rất ngứa và khó điều trị.

Ảnh hưởng đến thị giác: Nếu viêm da cơ địa xuất hiện ở vùng da mỏng quanh mắt thì sẽ gây hại cho thị giác khi vi khuẩn có thể xâm nhập cùng các tổn thương da gây viêm kết mạc mắt, viêm mí mắt, chảy nước mắt liên tục…

Sẹo: Bệnh viêm da cơ địa gây ra sẹo, các vết sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ cùng các vết ngứa, mẩn đỏ khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.

Biến chứng khác: Theo thống kê, có khoảng 30-50% người bệnh sẽ phải đối mặt với các bệnh dị ứng khác như: Suy hô hấp, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, hen phế quản.

Những vị trí thường gặp

Viêm da cơ địa ở tay: Các vết mẩn đỏ, nổi sần, tróc da thường xuất hiện ở  mu bàn tay, kẽ ngón tay, lòng bàn tay… được gọi là viêm da cơ địa ở tay. Đây là vùng da dễ mắc bệnh nhất do thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như các chất tẩy rửa, nhựa cây, lông động vật, xà phòng có tính kiềm cao,…

Người bị bệnh viêm da cơ địa nên hạn chế sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.

Viêm da cơ địa ở mặt: Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ khuôn mặt gây mất tự ti, ngại giao tiếp. Viêm da ở mặt nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: Các tổn thương do viêm da ở vùng mặt có thể lan rộng, vi khuẩn xâm nhập gây viêm kết mạc, viêm mí mắt; Thói quen gãi mạnh khi ngứa của nhiều người có thể khiến bệnh biến chứng thành viêm da thần kinh. Các vết trầy sâu hơn, sậm màu hơn. Sẹo có thể để lại vĩnh viễn trên da gây mất thẩm mỹ; Nhiễm trùng, bội nhiễm vi khuẩn cũng có thể xảy ra khi người bệnh không vệ sinh đúng cách.

Hình ảnh trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa ở mặt.

Viêm da cơ địa ở chân thường có các dấu hiệu: Lòng bàn chân hoặc ngón chân có mụn nước theo đám, xung quanh mụn nước ngứa ngáy kèm nóng ran.Da chân khô, bong tróc, đỏ mẩn. Mụn nước sau khi vỡ gây sưng, viêm,…Các dấu hiệu này kéo dài từ  trong vài ngày đến 3 tuần. Sau đó da có thể trở nên khô, căng và nứt ra. Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp, da có thể bị nhiễm trùng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa không khó nhưng quá trình điều trị còn gặp nhiều thách thức vì tần suất tái phát cao của bệnh. Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm da cơ địa, người bệnh cần đến chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và xác định bệnh cũng như loại trừ các chẩn đoán khác. Không nên tự ý mua và dùng thuốc khi chưa có sử chỉ định của bác sỹ. Trong điều trị bệnh, dùng sai thuốc có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm.


ThS.BS. Phạm Đăng Bảng
Ý kiến của bạn