1. Tổng quan về da
Cấu tạo của da có 3 lớp, theo thứ tự từ ngoài vào trong đó là biểu bì, trung bì, hạ bì.
- Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da. Lớp biểu bì trên mỗi vị trí và từng bộ phận khác nhau thì sẽ có độ dày khác nhau, nhưng đều nằm trong khoảng 0,5 – 1mm. Keratinocytes là tế bào chủ yếu trong lớp biểu bì, tế bào này được bắt nguồn từ tế bào ở lớp đáy. Trong quá trình sừng hóa trên da, khi các tế bào sừng ở trên bề mặt lớp biểu bì bị sừng hóa và bong tróc sẽ bị một lớp tế bào sừng mới thay thế. Ngoài ra, lớp biểu bì này còn bảo vệ nội tạng, mạch máu, dây thần kinh tránh khỏi những chấn thương. Thông qua lớp biểu bì, chúng ta có thể biết được tình hình của da như khả năng chống nắng, độ ẩm…
- Lớp trung bì là lớp dày nhất trong 3 lớp và cũng là nơi tập trung nhiều collagen và elastin. Trong đó, collagen có nhiệm vụ hỗ trợ cấu trúc da, elastin có vai trò quan trọng trong việc phục hồi da. Các nang lông, mạch máu hay các tuyến mồ hôi, dây thần kinh, tuyến bã nhờn đều nằm ở lớp này.
- Lớp hạ bì là lớp dưới cùng của da. Lớp này có chứa các mô liên kết và phân tử chất béo, giúp cách nhiệt cũng như bảo vệ các mô bên dưới khỏi các chấn thương.
2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa gây nhiều phiền toái cho người mắc phải, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.
Viêm da có thể có nhiều hình thức khác nhau như sưng, đỏ, ngứa, phồng rộp, phát ban hoặc bị bong da. Có rất nhiều loại viêm da khác nhau và được phân chia thành các giai đoạn. Tình trạng viêm da khiến người bệnh vô cùng khó chịu và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày, nhất là những người mắc viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa trước đây gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da rất hay gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc… Nguyên nhân chủ yếu do di truyền, các tác nhân kích thích, do thần kinh, thay đổi nội tiết, thay đổi miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, bụi phấn hoa, thức ăn, vi khuẩn, virus, nấm… Hầu hết các bệnh nhân viêm da cơ địa đều có nồng độ IgE trong máu cao.
Nguyên nhân chính gây ra viêm da vẫn chưa được xác định nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Di truyền: Có khoảng 60% cha hoặc mẹ mắc viêm da do yếu tố cơ địa có con cũng mắc bệnh.
- Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch: Hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn tới sự đánh giá nhầm các tác nhân tiếp xúc với cơ thể.
- Yếu tố môi trường: Môi trường bị ô nhiễm, trong không khí chứa nhiều khói, bụi bẩn, len dạ, lông động vật… là một trong những tác nhân khiến bệnh khởi phát và nặng thêm.
Ngoài ra còn có 1 số nguyên nhân ít gặp khác như:
- Bệnh lý hệ miễn dịch.
- Bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như tăng men gan và các bệnh về gan.
- Cơ thể thiếu nước. Thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến cho tình trạng viêm da cơ địa dễ xảy ra hơn.
3. Dấu hiệu viêm da cơ địa
Ở trẻ em:
- Viêm da cơ địa ở trẻ < 2 tuổi (giai đoạn ấu thơ-thường gặp ở trẻ từ 2-3 tháng tuổi). Thương tổn cơ bản là các mụn nước tập trung thành đám. Các mụn nước tiến triển theo các giai đoạn: tấy đỏ, mụn nước, chảy nước/xuất tiết, đóng vảy, bong vảy da. Vị trí viêm da hay gặp ở má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng…. có tính chất đối xứng. Triệu chứng thường thấy là ngứa.
- Viêm da cơ địa ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi (hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2- 5). Thương tổn cơ bản là các sần nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, da dày, liken hóa. Có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám. Vị trí thương tổn: mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt, thương tổn ở hai bên hoặc đối xứng. Triệu chứng thường thấy là rất ngứa.
Ở người lớn:
Bệnh tiến triển từ giai đoạn trẻ em chuyển sang, một số khởi phát ở tuổi dậy thì, một số phát ở tuổi lớn hơn.
Thương tổn cơ bản: Sần nổi cao hơn mặt da, rải rác hoặc tập trung thành đám. Có thể có một số mụn nước kèm theo nhiều vết xước do gãi. Vị trí khu trú của thương tổn hay gặp ở các nếp gấp như kheo chân, khuỷu tay, cổ tay, vùng hậu môn sinh dục, núm vú… Triệu chứng thường thấy là rất ngứa.
Những triệu chứng không điển hình: Khô da, dấu hiệu vẽ nổi, viêm da lòng bàn tay, bàn chân.
4. Viêm da cơ địa có lây không?
Viêm da cơ địa không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây song có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
5. Cách phòng bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa gây viêm da, bong và tấy đỏ da, lột da, ngứa ngáy, lở loét,…nhất là vào ban đêm và khi thời tiết thay đổi, bệnh lại càng hành hạ thể xác và tinh thần người bệnh nhiều hơn.
Để phòng bệnh viêm da cơ địa nhất là trong mùa đông, bệnh nhân nên:
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất.
- Hạn chế gãi.
- Hạn chế mặc quần áo bằng chất liệu dễ gây kích ứng.
- Dùng thuốc dạng mỡ, kem để làm mềm, ẩm, giữ nước tại vùng thương tổn.
- Tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng bằng các thực phẩm, vitamin, rau xanh.
- Uống đủ nước ngay cả khi không khát.
- Ngủ đủ giấc.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích.
6. Cách điều trị viêm da cơ địa
Nếu không hỗ trợ điều trị sớm, viêm da cơ địa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày. Đó là:
- Da bị lở loét, nứt nẻ, sần sùi, mẩn đỏ, dày sừng.
- Gây ngứa ngáy khó chịu khiến người bệnh mất ngủ lâu dần sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Vùng da viêm sẽ phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết, các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
- Gây đau cơ, đau đầu trong thời gian dài.
- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: viêm họng, viêm mũi dị ứng…
7. Nguyên tắc điều trị bệnh
Bệnh viêm da cơ địa cần phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Chú ý điều trị các bệnh cơ địa nếu có. Cần điều trị đúng theo từng giai đoạn, kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
Điều trị bệnh tùy theo từng giai đoạn bệnh cấp tính, bán cấp, mạn tính. Sử dụng thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C. Nếu bệnh nhân có triệu chứng bội nhiễm, cần phải dùng kháng sinh.
Ngoài ra có một số phương pháp khác: Sử dụng phương pháp UVA, UVB hoặc LASER để điều trị; Một số thuốc ức chế miễn dịch.
Xem thêm video được quan tâm
Thuốc bổ gan: Lưu ý trước khi sử dụng | SKĐS