Viêm da cơ địa khi mang thai, dùng thuốc thế nào cho an toàn?

31-12-2021 15:19 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm da cơ địa khiến các bà bầu ngứa ngáy khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ khiến các bà bầu mệt mỏi, chán ăn dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe của bà bầu và sự phát triển của thai nhi…

Giải pháp an toàn cho bệnh viêm da cơ địa mùa COVIDGiải pháp an toàn cho bệnh viêm da cơ địa mùa COVID

SKĐS - Viêm da cơ địa thường gọi là eczema là bệnh viêm da cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Bệnh dễ tái phát, vì vậy trong dịch COVID-19, người bệnh cần phòng ngừa cẩn thận.

1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa (còn gọi là chàm thể tạng) là một dạng viêm da dị ứng mạn tính. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, một số ít trường hợp bệnh có thể xuất hiện ở người lớn. Viêm da cơ địa thường khởi phát do yếu tố di truyền và gặp các tác nhân gây dị ứng.

Viêm da cơ địa cũng là bệnh ngoài da mà nhiều phụ nữ mang thai mắc phải. Nhiều bằng chứng cho thấy, phụ nữ mang thai dễ mắc viêm da cơ địa do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

Ngoài ra, hệ miễn dịch của người mẹ cũng bị suy giảm trong thời gian đầu mang thai, bản thân ốm nghén cũng có thể là một nguyên nhân dễ dẫn tới phát triển viêm da cơ địa. 

Tình trạng căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, chán ăn kéo dài trong giai đoạn ốm nghén, đặc biệt là những phụ nữ mang thai lần đầu, khiến cơ thể người mẹ thiếu dưỡng chất, giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và làm tiến triển bệnh viêm da cơ địa.

Ngoài ra, viêm da cơ địa cũng bùng phát khi tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát bệnh: Xà phòng, sữa tắm hoặc một số hóa chất khác, dị ứng lông chó mèo, thức ăn, thời tiết thay đổi, môi trường sống bị ô nhiễm...

photo-1640882996006

Viêm da cơ địa cũng là bệnh ngoài da mà nhiều phụ nữ mang thai mắc phải.

2. Viêm da cơ địa có di truyền sang con?

Các nghiên cứu cho thấy, bệnh viêm da cơ địa có tính di truyền, có xu hướng mãn tính. Do đó, phụ nữ mang thai khi phát hiện bệnh cần được thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, viêm da cơ địa gây ngứa ngáy, khó chịu cho các bà bầu. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm da cơ địa kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Nghiêm trọng hơn bệnh có thể trở thành viêm da cơ địa bội nhiễm, sốt, chán ăn... là những triệu chứng có thể đi kèm. 

3. Làm sao phát hiện được bệnh?

Có nhiều tình trạng ngoài da dễ nhầm lẫn với viêm da cơ địa. Tuy nhiên, có thể nhận biết viêm da cơ địa từ những dấu hiệu sau: Da ở bụng, mặt, ngực, khuỷu tay, khuỷu chân, bàn tay, bàn chân có những nốt phát ban đỏ, nổi mụn li ti, da đỏ và ngứa ngáy khó chịu, có xu hướng dày lên, có vảy nhỏ, bong tróc. 

4. Đâu là cách điều trị an toàn, hiệu quả?

Thông thường, điều trị viêm da cơ địa bao gồm 3 vấn đề cơ bản: Chăm sóc da, loại trừ nguyên nhân gây bệnh và dùng thuốc chống viêm. Ngoài ra, có thể chườm mát da để giảm nhanh cơn ngứa ở các bà bầu.

4.1. Chăm sóc da cho bà bầu mắc viêm da cơ địa

Trong viêm da cơ địa, da thường bị khô và khả năng bảo vệ của da bị suy giảm. Do đó, cần tránh các chất kích ứng da (xà phòng, chất sát trùng, hoá chất, khói thuốc lá, rượu bia..).

Bên cạnh đó, nên sử dụng các loại xà phòng có pH trung tính. Sử dụng gạc ướt để đắp các tổn thương da nặng hoặc kéo dài giúp giảm ngứa, làm mềm da, ngăn ngừa gãi quá nhiều vào tổn thương và thúc đẩy quá trình liền sẹo. Ngoài ra, bơi lội có thể giúp ích nhiều cho việc điều trị viêm da cơ địa.

4.2. Loại trừ các nguyên nhân gây bệnh

Cần loại trừ các yếu tố dẫn đến tình trạng viêm da cơ địa: Tránh những thức ăn làm nặng bệnh, môi trường (giảm độ ẩm mốc trong nhà, vệ sinh nhà cửa).

4.3. Dùng thuốc trị viêm da cơ địa

Sử dụng kem dưỡng ẩm để làm mềm da, giảm ngứa ngáy, dày sừng, hạn chế da bong tróc. Tuy nhiên, cần được sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Việc dùng thuốc điều trị viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai thường khó khăn hơn rất nhiều. Bởi việc dùng thuốc ở bà mẹ có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, cần hết sức thận trọng trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào cho phụ nữ mang thai để điều trị viêm da cơ địa.

Thuốc bôi có chứa oxit, kẽm: Được sử dụng trong giai đoạn bán cấp của bệnh viêm da cơ địa (da giảm tiết dịch, phù nề, da chỉ hơi khô và đỏ nhẹ). Thuốc có tác dụng sát trùng, làm dịu và giảm khô da. Loại thuốc này được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng da ngứa ngáy, nóng rát và hỗ trợ phòng ngừa bội nhiễm. Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc bôi chứa kẽm oxide nếu da có hiện tượng viêm nhiễm hoặc xuất hiện các vết thương hở lớn.

Chlorhexidine: Là hoạt chất sát trùng và khử khuẩn tại chỗ. Hoạt chất này được sử dụng phổ biến trên lâm sàng với nhiều dạng bào chế khác nhau như nước súc miệng, dung dịch, xà phòng, kem bôi ngoài, thuốc dạng khí dung… Chlorhexidine thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn và vô khuẩn trước khi can thiệp các thủ thuật. Trong giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính, sản phụ có thể sử dụng dung dịch chứa chlorhexidine để sát trùng và khử khuẩn da. Thuốc có tác dụng phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn da thứ phát do viêm da cơ địa hiệu quả.

Các loại kem dưỡng ẩm: Thành phần kem dưỡng ẩm trên thị trường chủ yếu chứa các thành phần dưỡng ẩm da như vaseline, glycerol và parafin liquida. Sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm, cải thiện tình trạng da bong tróc và nứt nẻ. Bên cạnh đó, thành phần glycerol còn hỗ trợ phục hồi hàng rào bảo vệ và hạn chế tình trạng da thoát hơi nước dẫn đến khô căng, nứt nẻ…

Kem bôi da dưỡng ẩm không chứa thành phần chống viêm, giảm ngứa. Với cơ chế làm mềm da, giữ ẩm và giảm khô ráp, sản phẩm có thể giảm nhanh triệu chứng ngứa ngáy, da viêm đỏ, nứt nẻ và bong tróc mạnh. Kem bôi dưỡng ẩm là nhóm sản phẩm lành tính, có thể dùng cho phụ nữ có thai và các vùng da mỏng như mặt, cổ, bẹn, nách… Tuy nhiên, tránh dùng sản phẩm này nếu da đang bị bội nhiễm (da viêm đỏ, phù nề, rỉ dịch, trợt loét).

photo-1640882998714

Kem bôi dưỡng ẩm là nhóm sản phẩm lành tính, có thể dùng cho phụ nữ có thai.

Thuốc bôi chứa corticoid: Được sử dụng ở cả giai đoạn cấp và mãn tính của viêm da cơ địa. Ngoài ra, loại thuốc này còn được sử dụng để điều trị các bệnh da liễu thường gặp khác như vảy nến, viêm da bong vảy, viêm da tiết bã nhờn, vết đốt côn trùng, nấm và nhiễm khuẩn bề mặt da do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Hoạt chất nhóm corticoid trong thuốc bôi có khả năng hấp thu vào da. Do đó, cần hạn chế dùng thuốc trên diện rộng, không che phủ vùng da cùng thuốc, tránh sử dụng dài ngày và không dùng cho các vùng da mỏng như bẹn, nách,… Thuốc có thể gây các rủi ro và biến chứng có mức độ nặng nếu lạm dụng quá mức.

Ngoài các thuốc bôi còn có các nhóm thuốc uống nhằm điều trị triệu chứng như: Thuốc kháng histamin giảm ngứa, kháng sinh nếu bề mặt da bị bội nhiễm…

Nếu sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục, dài ngày trên diện tích da lớn, lượng thuốc được hấp thu này có thể đủ lớn để gây ra các tác rối loạn chuyển hóa ở mẹ và tăng các nguy cơ khiến trẻ nhẹ cân khi sinh.

5. Tác dụng của các loại kem bôi viêm da cơ địa như thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc dạng kem bôi viêm da cơ địa với tác dụng là làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh và làm dịu mát vùng da bị viêm, tái tạo lại làn da khỏe mạnh hơn.

Tùy vào từng đối tượng, dạng bệnh, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn loại kem bôi viêm da cơ địa phù hợp.

Các thuốc bôi trị viêm da cơ địa giúp tăng cường bảo vệ da, giảm ngứa ngáy, viêm nhiễm, khó chịu, ngăn ngừa vi khuẩn, nấm…

Ngoài ra, kem bôi trị viêm da cơ địa còn có các thành phần dưỡng ẩm có tác dụng làm mềm, tái tạo da giúp vùng da bị viêm mềm mại hơn. Tránh tình trạng da bị nứt nẻ, khô da hình thành nên sẹo trên da gây mất thẩm mỹ.

Các hoạt chất có trong kem bôi viêm da cơ địa còn có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch, hỗ trợ phục hồi các vùng da bị tổn thương một cách hiệu quả.

Lưu ý, việc dùng thuốc đặc trị viêm da cơ địa cho bà bầu cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tránh trường hợp dùng không đúng loại thuốc, không đúng liều lượng theo hướng dẫn có thể dẫn tới các phản ứng phụ không đáng có.

Đặc biệt việc sử dụng corticoid trong thai kỳ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Thuốc có thể gây cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Cảm giác này thường biến mất sau vài lần sử dụng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác như teo mỏng da, rạn da, thay đổi sắc tố da, da dễ bị bầm tím, tổn thương, chậm lành vết thương, mụn hoặc trứng cá đỏ, rậm lông ở vùng điều trị, bội nhiễm nấm, vi khuẩn. 

Dù chỉ dùng tại chỗ, một lượng thuốc vẫn có thể đi qua da và hấp thu vào dòng máu. Thông thường lượng thuốc này nhỏ và không gây ra các tác dụng phụ toàn thân. Nhưng nếu sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục, dài ngày trên diện tích da lớn, lượng thuốc được hấp thu này có thể đủ lớn để gây ra các tác rối loạn chuyển hóa ở mẹ và tăng các nguy cơ khiến trẻ nhẹ cân khi sinh .

photo-1640883000787

Bà bầu nên uống đủ nước để hạn chế tình trạng mất nước gây khô da.

6. Lời khuyên thầy thuốc

Khi đã mắc viêm da cơ địa, các bà bầu nên:

- Sử dụng gối sợi tổng hợp và nệm không thấm nước. Giặt chăn, ga, gối trong nước nóng, loại bỏ đồ đạc bọc đệm, đồ chơi mềm, thảm, và vật nuôi (để giảm bớt bụi bẩn và súc vật).

- Sử dụng máy lưu thông không khí được trang bị các bộ lọc không khí có hiệu suất cao (HEPA) trong phòng ngủ và các khu vực sinh sống thường xuyên khác.

- Sử dụng máy hút ẩm trong các tầng hầm và các phòng kín, ẩm ướt khác (để giảm nấm mốc).

- Nghỉ ngơi đầy đủ.

- Mặc quần áo rộng, thoáng mát, ít bụi vải.

- Giữ ấm cơ thể, không để bị nhiễm lạnh.

- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da. Nên lựa chọn loại không chứa hương liệu và các chất kích ứng da.

- Hạn chế dùng mỹ phẩm.

Uống đủ nước, ít nhất 2 - 2.5 lít nước/ngày để hạn chế tình trạng mất nước gây khô da.

- Hạn chế sử dụng các sản phẩm có hóa chất tẩy rửa mạnh.

- Không gãi nhiều lên vùng da tổn thương.

- Có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, giàu vitamin.

- Thường xuyên tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. 

Xem thêm video đang quan tâm:

Quy định mới Bộ Y tế: Người ôm, hôn, tiếp xúc cơ thể với F0 mới được xem là F1.

BS.Vương Vũ Việt Hà
Ý kiến của bạn