Viêm da cơ địa, chữa thế nào?

16-11-2015 08:00 | Y học 360

SKĐS - Tôi đang bị ngứa ở mông và cả đùi, hai cánh tay và phần bàn chân bị nổi sần màu đỏ rồi chuyển màu tím, gây ngứa khó chịu.

Tôi đang bị ngứa ở mông và cả đùi, hai cánh tay và phần bàn chân bị nổi sần màu đỏ rồi chuyển màu tím, gây ngứa khó chịu. Tôi đã đi khám tại bệnh viện da liễu, bác sĩ bảo bị viêm da cơ địa, cho đơn thuốc, tôi uống nhưng không khỏi. Mong được các bác sĩ giúp đỡ!

(phamtienduonght90@gmail.com)

Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa, Liken đơn dạng mạn tính... Bệnh có thể biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “ngứa - gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn. Một số thức ăn cũng có thể làm vượng bệnh như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ... Mùa hay bị bệnh thường vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè. Điều trị bằng các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa; bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết, vừa có tác dụng chống khô da, vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Điều trị viêm da cơ địa cần có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh. Tùy theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà cho thuốc bôi phù hợp kết hợp thuốc kháng histamin chống ngứa. Điều quan trọng là bệnh nhân không nên gãi nhiều vì càng gãi càng ngứa và dễ bội nhiễm. Hơn nữa, cần chú ý những nguyên nhân khởi phát bệnh kể cả một số thức ăn như đã nói trên... Tuy nhiên, sẩn ngứa diện rộng trên cơ thể cần phân biệt ngứa da do sắc tố mật (thường kèm theo vàng da vàng niêm mạc mắt); hoặc ngứa do ghẻ.

BS. Vũ Lan Anh

 


Ý kiến của bạn