Viêm cột sống dính khớp - Bệnh của nam giới trẻ tuổi

27-05-2008 09:04 | Bệnh thường gặp
google news

Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là một bệnh viêm khớp mạn tính khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chỉ riêng ở Trung Quốc, đã có ít nhất 2,3 triệu người mắc bệnh này.

TS. BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc

Kỳ 1: Các biểu hiện lâm sàng

Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là một bệnh viêm khớp mạn tính khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chỉ riêng ở Trung Quốc, đã có ít nhất 2,3 triệu người mắc bệnh này. Nam giới trẻ tuổi thường hay mắc bệnh VCSDK nhất, chiếm tới 95% tổng số người mắc bệnh. 80% người mắc bệnh có độ tuổi dưới 30. Bệnh có tính gia đình, liên quan chặt chẽ với yếu tố kháng nguyên hòa hợp tổ chức HLA B 27. Những yếu tố môi trường như nhiễm khuẩn, chấn thương có thể kích thích khởi phát bệnh.

Cột sống bình thường và viêm cột sống dính khớp.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh VCSDK

Trong thời kỳ đầu phát bệnh, các triệu chứng thường nhẹ nên không được bệnh nhân chú ý. Khi triệu chứng đã rõ thì bệnh đã tiến triển được nhiều tháng, cho đến vài năm. Dấu hiệu sớm thường gặp là đau cột sống thắt lưng và viêm các khớp chi dưới. Biểu hiện ở cột sống thường bắt đầu từ khớp cùng chậu nằm phía sau khung chậu, sau đó tổn thương tiếp tục lan theo chiều từ dưới lên trên cho đến tận cột sống cổ. Những triệu chứng cột sống đầu tiên là đau vùng mông, thắt lưng hay đau thần kinh tọa. Đau tăng lên về đêm và cứng cột sống thấy rõ nhất là lúc sáng sớm mới ngủ dậy. Ở giai đoạn muộn, người bệnh VCSDK có các biến dạng cột sống rõ rệt như eo lưng dẹt do teo cơ cạnh cột sống, lưng gù, cổ vươn về phía trước. Khớp háng bị viêm trong khoảng 70% trường hợp, thường xuất hiện trong 5 năm đầu bị bệnh. Viêm khớp háng có biểu hiện đau vùng bẹn, sau mông, hạn chế vận động phần hông thường ở trạng thái co gấp. Các cơ mông và đùi teo nhanh chóng. Viêm khớp gối, chủ yếu sưng đau, ít nóng đỏ, có thể kèm theo tràn dịch khớp, làm hạn chế các động tác gấp duỗi chân, đi lại khó khăn. Một số khớp khác cũng có thể bị tổn thương như khớp cổ chân, khớp vai. Đau gót chân và đau hay sưng tấy ở những điểm gân cơ khác là những hiện tượng thường gặp, gọi là viêm gân bám tận. Ngoài ra bệnh còn có một số biểu hiện toàn thân và ngoài khớp như sốt, gầy sút, viêm mống mắt, hở van tim. Một số khớp khác cũng có thể bị tổn thương như khớp cổ chân, khớp vai, đau gót chân và đau hay sưng tấy ở những điểm gân cơ khác là những hiện tượng thường gặp, gọi là viêm gân bám tận. Viêm mống mắt thể mi của màng bồ đào mắt xảy ra trong 25% trường hợp VCSDK, có biểu hiện đau mắt, sung huyết kết mạc, sợ ánh sáng. Người bị VCSDK có thể bị hoại tử tầng giữa vùng gốc động mạch chủ, làm cho vòng động mạch chủ bị giãn rộng ra, làm cho van động mạch chủ không đóng kín được hoàn toàn, dẫn đến hở van động mạch chủ. Các tổn thương viêm có thể làm tổn thương đường dẫn truyền của tim, gây nên loạn nhịp tim. Những bất thường đó có thể chẩn đoán khi chụp Xquang tim phổi, làm siêu âm tim. Tóm lại, nếu bệnh nhân nam giới trẻ tuổi (tuổi từ 15-30) đau cột sống thắt lưng, có đau khớp háng hay sưng đau khớp gối, khớp cổ chân cần phải nghĩ đến bệnh VCSDK và cần đến khám ngay ở chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán VCSDK bằng cách nào?

Bệnh nhân có các biểu hiện nói trên sẽ được làm các xét nghiệm máu, dịch khớp, chụp Xquang cột sống, đặc biệt là khớp cùng chậu. Trên phim Xquang có thể phát hiện thấy các triệu chứng điển hình của bệnh như viêm khớp cùng chậu hai bên, hình ảnh cầu xương nối liền hai thân đốt sống do xơ hóa bao khớp, cột sống có hình ảnh thân cây tre do cầu xương nối liền nhiều thân đốt sống, dải xơ dây chằng cạnh cột sống trông như những đường ray tàu hỏa, đốt sống biến dạng thành hình vuông. Ngày nay để chẩn đoán sớm bệnh người ta có thể áp dụng phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân hay tìm yếu tố HLA B27, dương tính trong 90% bệnh nhân VCSDK trong khi đó chỉ có 4% dân số mang yếu tố này. Xét nghiệm tìm yếu tố dạng thấp trong VCSDK thường âm tính, do vậy bệnh còn được xếp vào nhóm bệnh lý cột sống có huyết thanh âm tính. Yếu tố dạng thấp do vậy thường chỉ dùng để chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm khớp dạng thấp. Người ta còn làm xác định tốc độ máu lắng và protein C phản ứng để xác định xem bệnh có đang hoạt động hay không. 80% người bệnh VCSDK có tốc độ máu lắng cao và protein C phản ứng cao. Thông thường sau khi khống chế được bệnh thì tốc độ máu lắng và protein C phản ứng có thể trở lại bình thường.

Xem tiếp trên SK & ĐS thứ 5 (số 86) ra ngày 29/5/2008


Ý kiến của bạn