(SKDS) – Mùa nắng nóng, mồ hôi, bụi bẩn bám trên da nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào da gây bệnh, thường gặp nhiều là nhiễm khuẩn do tụ cầu. Ở số báo 71 chúng tôi đã giới thiệu bài viêm da mủ do tụ cầu. Trong bài viết dưới đây chúng tôi tiếp tục đề cập đến các bệnh nhiễm khuẩn cơ và xương cũng do tụ cầu gây ra.
Tụ cầu là tác nhân gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể như nhiễm khuẩn da và mô mềm, đường hô hấp, hệ thần kinh, đường tiết niệu, nhiễm khuẩn nội mạch, viêm màng tim, vãng khuẩn huyết, chúng cũng là thủ phạm gây ra các bệnh ở cơ và xương như viêm xương tủy cấp và mạn tính, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm cơ mủ, làm tổn thương nặng nề cơ xương của bệnh nhân, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Sau đây là những thể bệnh thường gặp do tụ cầu gây ra trong mùa hè.
Tụ cầu gây viêm cơ xương. |
Viêm cơ mủ
Bệnh viêm cơ mủ gặp nhiều ở vùng nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là: bệnh nhân đái tháo đường, nghiện rượu, điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bệnh máu ác tính. Có thể viêm ở bất cứ cơ nào, nhưng hay gặp viêm cơ ở mặt trước cơ đùi, mông và cơ thắt lưng chậu. Triệu chứng toàn thân là hội chứng nhiễm khuẩn: bệnh nhân bị sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng, hơi thở hôi. Biểu hiện tại chỗ là viêm cơ, có thể một cơ bị viêm hay nhiều cơ cùng bị viêm.
Cơ viêm thường có triệu chứng: cơ to ra, sưng nóng đỏ đau; ấn vào thấy dấu hiệu bùng nhùng, phù nề ấn lõm, chọc hút cơ thấy mủ. Thể bệnh hay gặp nhất là áp-xe cơ thắt lưng chậu, với triệu chứng: cơ bị xuất huyết tại chỗ; đau kéo dài ở vùng hông kèm sốt; bệnh nhân có đau ở vùng mạng sườn, hạ sườn; có khi bệnh nhân không duỗi được chân ở bên có cơ bị tổn thương. Chụp CT bụng hoặc MRI có thể thấy ổ viêm mủ ở khối cơ thắt lưng chậu.
Viêm xương tủy cấp tính
Tụ cầu cũng là mầm bệnh chủ yếu gây viêm xương tủy cấp tính ở người lớn và trẻ em. Vi khuẩn lây lan qua đường máu, hoặc lây trực tiếp từ mô nhiễm khuẩn lân cận đến phá hủy xương. Chẳng hạn viêm da mủ hoặc viêm cơ mủ do tụ cầu. Nếu bệnh nhân có sức đề kháng kém hoặc do phát hiện và điều trị các bệnh nói trên muộn thì vi khuẩn sẽ vào máu hoặc lây lan trực tiếp đến gây viêm tủy xương.
Hay gặp nhất là thể cột sống của bệnh viêm xương tủy xuất huyết do tụ cầu ở người trưởng thành. Bệnh xuất hiện với những triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, suy nhược. Đau lan từ vị trí xương bị viêm qua vùng phần mềm bị ảnh hưởng. Đặc biệt trên phim Xquang thấy hình ảnh của xương bị phá hủy. Xét nghiệm thấy tăng bạch cầu và tăng tốc độ lắng hồng cầu, protein... Một số bệnh nhân thấy biểu hiện vãng khuẩn huyết.
Viêm xương tủy mạn tính
Bệnh thường gặp sau khi phẫu thuật, sau chấn thương đụng giập da và cơ. Có thể sau nhiều năm không có triệu chứng, bệnh đột ngột xảy ra với triệu chứng đau, xuất hiện những đường dẫn lưu hốc xương và dẫn lưu mủ từ xương viêm ra ngoài da. Trên phim chụp Xquang có thể thấy những vùng xương bị phá hủy do tụ cầu. Sinh thiết xương hoặc nuôi cấy bệnh phẩm từ vùng tổn thương tìm thấy tụ cầu gây bệnh.
Thể đặc biệt của viêm xương tủy là kết hợp với khớp giả hoặc liên quan đến những dụng cụ đóng ở trong hay bên ngoài xương. Biểu hiện chính của thể bệnh này là đau ở xương viêm, sốt, sưng và giảm cử động vùng tổn thương. Chụp Xquang có thể thấy sự lỏng lẻo của bộ phận giả nhất là ở bề mặt tiếp xúc giữa xương và vật kết hợp xương.
Viêm khớp nhiễm khuẩn
Bệnh thường gặp ở người lớn và trẻ lớn. Những đối tượng có nguy cơ cao viêm khớp nhiễm khuẩn là những người tiêm chích ma túy, bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, người dùng thuốc steriod trong khớp hay toàn thân, bệnh nhân bị vết thương xuyên thấu, bệnh nhân bị phá hủy khớp do chấn thương hay bệnh tật. Các khớp thường gặp bị tổn thương là: khớp gối, khớp hông, khớp cùng chậu... Chọc dịch khớp nuôi cấy thấy tụ cầu gây bệnh.
Hình ảnh xương đùi trái bị phá hủy do tụ cầu trên phim Xquang. |
Lưu ý trong điều trị và phòng bệnh
Điều trị viêm cơ và xương do tụ cầu tốt nhất là sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Do đặc điểm của tụ cầu là khả năng kháng thuốc rất cao. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định điều trị bằng kháng sinh của thầy thuốc. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, vì làm như thế dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc do dùng thuốc không đúng liều, dùng thuốc không có tác dụng với vi khuẩn.
Khi bệnh nhân điều trị ở bệnh viện, thầy thuốc thường phải kết hợp với các liệu pháp điều trị như: dẫn lưu mủ tất cả ổ áp-xe do tụ cầu để điều trị; cắt bỏ mô hoại tử; tháo bỏ vật liệu kết hợp xương đã dùng trước đây, ống thông tĩnh mạch, hoặc máy tạo nhịp tim. Vì vậy bệnh nhân cần hợp tác tốt với thầy thuốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân không lấy ống thông đi thì tỉ lệ tái phát gấp 6 lần, thậm chí tử vong do chính bệnh nhiễm khuẩn so với những bệnh nhân được lấy đi ống thông. Tùy thể bệnh mà thời gian dùng kháng sinh có khác nhau: viêm xương tủy cấp thường điều trị kháng sinh uống trong vòng 4 tuần. Viêm xương tủy mạn tính điều trị bằng phẫu thuật mở ổ xương bị hoại tử để nạo vét dẫn lưu kết hợp điều trị kháng sinh toàn thân kéo dài vài tháng.
Việc phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp: tắm rửa hằng ngày bằng nước sạch; điều trị tích cực các bệnh viêm da mủ do tụ cầu hoặc vi khuẩn khác; không nên uống nhiều rượu, bia; chăm sóc tốt bệnh nhân sau khi phẫu thuật, sau chấn thương đụng dập da và cơ để tránh bị nhiễm khuẩn cơ và xương do tụ cầu.
ThS. Nguyễn Thị Đào