Hà Nội

Viêm cầu thận cấp: Phát hiện sớm, điều trị nhanh

02-04-2020 20:50 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm cầu thận cấp là một bệnh thường gặp, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Bệnh có thể xảy ra cho mọi giới và tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em cao hơn người trưởng thành, tuy vậy, bệnh có thể phòng tránh được.

Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do nhiễm khuẩn đóng vai trò đáng kể. Viêm cầu thận cấp có liên quan mật thiết với một số vi sinh vật gây bệnh, điển hình là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes). Đối với liên cầu nhóm A thì tỷ lệ bắt gặp nhiều ở các type huyết thanh học như type 12 (viêm họng cấp), type 49 (gây mụn nhọt ở da như chốc đầu, mụn mủ...). Ngoài ra có thể do tụ cầu (Staphylococcus) hoặc phế cầu (S. pneumoniae) hoặc một số virus như virus viêm gan B, virus quai bị, virus sởi, virus thủy đậu hoặc do ký sinh trùng (một số nấm gây bệnh, ký sinh trùng sốt rét) nhưng tỷ lệ thấp.

Triệu chứng điển hình của bệnh

Viêm cầu thận cấp gặp tỷ lệ cao ở trẻ em. Bệnh xuất hiện đột ngột, nhất là vào những tháng nắng nóng thì trẻ dễ bị nhiễm trùng da gây mụn mủ, chốc đầu; mùa lạnh trẻ hay bị viêm họng. Biểu hiện là toàn thân mệt mỏi, sốt 38 - 390C hoặc đôi khi sốt nhẹ hơn. Giai đoạn đầu của viêm cầu thận cấp thì có thể đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Khi bệnh bước sang giai đoạn toàn phát thì xuất hiện phù, lúc đầu phù nhẹ ở mặt (thấy nặng mặt, mi mắt phù), sau đó phù dưới da xuất hiện ở vùng mắt cá chân. Phù của bệnh viêm cầu thận cấp là phù trắng, ấn lõm (phù quanh mắt cá, mặt trước xương chày, mu bàn chân) và có đặc điểm là không gây đau. Trong một số trường hợp nặng có thể xuất hiện phù toàn thân như tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù phổi cấp, phù não. Một điều cần lưu ý là phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc vào chế độ ăn uống (ăn mặn thì phù tăng lên, ăn nhạt thì phù giảm). Người bệnh thấy (trẻ lớn) hoặc người nhà của trẻ thấy trẻ đái ít cả về số lần đi tiểu, cả về số lượng nước tiểu và xuất hiện sớm (nước tiểu chỉ đạt được 500 - 600ml/24giờ). Có thể gây nên thiểu niệu (nước tiểu dưới 500ml/24giờ) hoặc vô niệu (nước tiểu dưới 100ml/24giờ) là biểu hiện suy thận cấp. Đái máu xảy ra trong vài tuần đầu của bệnh. Sau một thời gian bị viêm cầu thận cấp thì có thể xuất hiện tăng huyết áp (cả tối đa, cả tối thiểu), nguy hiểm nhất là tăng huyết áp một cách đột ngột có thể gây biến chứng. Viêm cầu thận cấp có thể khỏi hoàn toàn từ 90 - 95%, nếu phát hiện và điều trị  sớm.

Viêm cầu thận cấpViêm cầu thận cấp có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng

Tỷ lệ biến chứng viêm cầu thận mạn chỉ khoảng từ 5-10%, trong đó nguy hiểm nhất trong giai đoạn viêm cầu thận cấp là suy thận cấp hoặc suy tim gây phù phổi cấp (OAP). Suy thận cấp gây thiểu niệu hoặc vô niệu. Viêm cầu thận cấp cũng có thể gây phù não cấp hay bệnh não huyết áp cao.

Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá về sự có mặt của hồng cầu, protein, trụ niệu (chuyển hóa protien dở dang), trụ hạt (do tế bào viêm từ cầu thận bị bong ra và đi qua ống thận). Xét nghiêm công thức máu có thể thấy giảm số lượng hồng cầu do đái máu, thấy bạch cầu tăng, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính, tốc độ lắng máu tăng và phản ứng protein C tăng (CRP). Xét nghiệm sinh hóa máu có thể thấy urê, creatinin tăng, protid máu giảm. Nếu viêm cầu thận cấp do vi khuẩn liên cầu nhóm A thì hàm lượng kháng thể kháng streptolysin O tăng (ASLO).

Nguyên tắc phòng bệnh

Cần phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn ở mũi, họng và các bệnh mụn nhọt, chốc đầu, đặc biệt là do vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) gây ra. Vệ sinh hàng ngày họng miệng bằng cách súc họng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày tránh để xảy ra mắc bệnh mụn, nhọt, chốc đầu. Mùa lạnh cần giữ ấm cổ, không uống nước lạnh quá. Trẻ em khi bị viêm họng mà nghi ngờ do liên cầu nhóm A cần được điều trị tích cực, triệt để. Đặc biệt là phản ứng ASLO định lượng dương tính thì cần được tư vấn của bác sĩ để được tiêm phòng kháng sinh penicillin chậm theo quy định (liều lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu). Đối với các trường hợp sau khi đã được điều trị khỏi bệnh thì theo định kỳ nên được khám bệnh để kiểm tra các chức năng của thận.


PGS.TS.BS. Bùi Việt Bắc
Ý kiến của bạn