1. Viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn là gì?
Đây là thể bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là độ tuổi từ 5-12 tuổi, ở các nước đang phát triển. Bệnh có thể gặp sau đợt nhiễm liên cầu khuẩn ở cổ họng hoặc ngoài da. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu tan máu beta nhóm A chủng 12.
Bệnh có các triệu chứng: Phù, tiểu ít, tiểu ra máu, tăng huyết áp, có protein niệu, có thể suy tim, suy thận. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
2. Điều trị viêm cầu thận cấp thế nào?
Bệnh gây ra sau nhiễm liên cầu khuẩn, do đó nguyên tắc điều trị bắt đầu bằng dùng kháng sinh kiểm soát nhiễm khuẩn. Sau đó dùng thuốc điều trị triệu chứng và biến chứng (nếu có).
2.1 Điều trị tình trạng nhiễm trùng
Bệnh nhân có nhiễm khuẩn họng, đặc biệt là viêm amidal hoặc nhiễm trùng da được xác định là do liên cầu beta nhóm A cần được điều trị tích cực và dứt điểm bằng kháng sinh.
Kháng sinh được lựa chọn là penicillin V, erythromycin, azithromycin… Tùy theo độ tuổi, cân nặng và tình trạng đề kháng kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cũng như liều lượng cho từng bệnh nhân.
Khi được kê thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần dùng đúng liều, đủ ngày, kể cả khi thấy tình trạng bệnh đã đỡ (hoặc cảm thấy khỏi hẳn) để tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc và bệnh bùng phát trở lại, gây khó khăn hơn trong điều trị.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu, có thể tiêm extacilline mỗi tháng để phòng tái nhiễm.
2.2 Điều trị triệu chứng
Do viêm cầu thận gây phù, tăng huyết áp, protein niệu… nên việc điều trị đầu tiên là cần thay đổi chế độ ăn. Nên ăn hạn chế muối, hạn chế nước, hạn chế thức ăn giàu đạm và cần nghỉ ngơi nhiều. Khi có suy thận ure máu tăng thì nên ăn các loại khoai thay cho gạo, mỳ. Nếu có thiểu niệu thì tạm ngừng ăn rau quả đề phòng kali máu tăng.
Ở một số bệnh nhân có tăng huyết áp, phù phổi cấp, phù nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu furosemide. Liều lượng cũng phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân. Không nên tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc vì có thể gây nguy hiểm.
Trường hợp dùng thuốc lợi tiểu cùng các biện pháp trên nhưng vẫn không kiểm soát được huyết áp trở về mức độ an toàn, bệnh nhân sẽ được kê thuốc hạ huyết áp. Thuốc hạ huyết áp trong viêm cầu thận cấp nên ưu tiên sử dụng nhóm ức chế canxi như nifedipin viên uống 1-2 lần/ngày, tùy theo tình trạng bệnh hoặc nicardipin truyền tĩnh mạch tại bệnh viên.
Đối với tăng huyết áp do viêm cầu thận không sử dụng thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển.
Thông thường khi dùng thuốc trong một tuần, các triệu chứng sẽ giảm. Bệnh nhân sẽ tiểu tiện bình thường, các triệu chứng phù, tăng huyết áp cũng giảm. Nếu không đáp ứng với thuốc, bệnh nhân có tổn thương thận cấp, đái ít, ure, creatinine máu, kali máu tăng cao thì có chỉ định lọc máu chu kỳ ngoài cơ thể.
Nhìn chung, viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn có tiên lượng tốt. Bệnh được điều trị dứt điểm và 80% khỏi hoàn toàn ở trẻ em, ở người lớn là 60%. Khoảng 10-20% chuyển thành viêm cầu thận mạn, sau nhiều năm hai thận teo nhỏ dần, một số rất ít có thể chết trong đợt phù phổi cấp, suy tim, suy thận cấp, nhiễm khuẩn.
Để đề phòng bệnh tái phát và có tiên lượng xấu hơn, sau khi đã được điều trị khỏi, bệnh nhân cần tuần thủ đúng lịch tái khám mỗi tháng 1 lần trong 3 tháng đầu. Sau đó mỗi 3 tháng một lần, ít nhất 1 năm.
Mời độc giả xem thêm video:
Uống nước vối có hại thận, yếu sinh lý như lời đồn