Hà Nội

Viêm cầu thận cấp có nguy hiểm?

27-03-2014 10:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Con tôi gần đây có biểu hiện chán ăn, ít đi tiểu, chân bị phù nhẹ… có người nói rằng có thể con tôi bị viêm cầu thận cấp. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có nguy hiểm?

Con tôi gần đây có biểu hiện chán ăn, ít đi tiểu, chân bị phù nhẹ… có người nói rằng có thể con tôi bị viêm cầu thận cấp. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có nguy hiểm?

Nguyễn Thị Thanh  (Ninh Thuận)

Viêm cầu thận cấp liên quan đến cơ chế miễn dịch có thể xảy ra sau một đợt viêm họng hoặc nhiễm khuẩn da do một loại vi khuẩn (được gọi là liên cầu khuẩn) gây ra. Nếu trẻ mắc bệnh viêm họng và nhiễm khuẩn da (dạng ghẻ nốt có mủ) do tác nhân gây bệnh là loại vi khuẩn gây độc thận mà không được điều trị dứt điểm thì khoảng 2 - 3 tuần sau bệnh nhân sẽ có biểu hiện của viêm cầu thận cấp.

Viêm cầu thận cấp thường khởi phát đột ngột với hiện tượng phù (tăng cân đột ngột), đầu tiên thường phù ở mi mắt sau đó lan ra toàn thân. Ngoài ra, trẻ còn bị các triệu chứng tiểu ít, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ như máu. Không được điều trị sớm, trẻ sẽ có các biến chứng nặng như: tăng huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, suy thận... nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong. Trong một số trường hợp đặc biệt như suy thận cấp kéo dài, suy thận cấp diễn tiến nhanh hoặc tiểu ra máu kéo dài hơn 3 tuần, bệnh nhân cần được làm sinh thiết thận để bác sĩ tiên lượng bệnh và có hướng điều trị. Do đó, ngay cả khi bệnh nhân ổn định, được xuất viện vẫn cần phải duy trì chế độ tái khám định kỳ ít nhất trong 12 tháng để bác sĩ theo dõi.

Vì vậy, nếu bé có biểu hiện nghi ngờ mắc viêm cầu thận, chị cần đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa thận nhi để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Hải


Ý kiến của bạn