Viêm bờ mi chữa thế nào?

04-06-2022 10:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm bờ mi là bệnh lý nhãn khoa rất thường gặp. Bệnh hay tái phát, trở thành mạn tính, việc điều trị cần kết hợp nhiều biện pháp...

1. Biểu hiện của viêm bờ mi

Viêm bờ mi có các triệu chứng:

  • Mí mắt ngứa, sưng, đỏ
  • Cảm thấy có sạn hoặc nóng rát, chảy nước mắt nhiều. Tình trạng này là dấu hiệu của viêm bờ mi dẫn đến khô mắt.
  • Mi mắt đóng vảy, rụng mi vào buổi sáng thức dậy.
  • Da mí mắt khô, bị bong tróc, đóng vảy.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng mạnh, ánh sáng nhấp nháy…
Viêm bờ mi chữa thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh viêm bờ mi gây tổn thương mắt.

2. Chữa viêm bờ mi thế nào?

Tùy tình trạng viêm bờ mi sẽ có biện pháp điều trị khác nhau.

2.1 Viêm bờ mi nhẹ

Vệ sinh mắt: Sử dụng miếng gạc sạch, thấm nước muối sinh lý dùng riêng cho mắt đã được làm ấm rồi nhẹ nhàng làm sạch dọc bờ mi từ trong gốc mắt đến đuôi mắt. Động tác này nhằm loại bỏ các chất bẩn tích tụ trên mi mắt.

Lưu ý cần làm nhẹ nhàng, tránh để mi mắt bị trầy xước, kích ứng.

- Massage: Có thể massage bằng chườm ấm và xoa bóp mi mắt (lưu ý dụng cụ chườm ấm phải sạch, để ở nhiệt độ vừa đủ chịu được, tránh bỏng), giúp tăng lưu thông mạch vùng mi mắt, tăng bài tiết vùng mi mắt. Nên chườm ấm 3-4 lần/ngày.

Xoa bóp ngay sau chườm ấm bằng cách dùng đầu ngón tay áp út đưa nhẹ nhàng quanh viền mí mắt theo chuyển động tròn. Nên làm nhẹ nhàng để tránh tổn thương mi mắt.

- Nước mắt nhân tạo: Sử dụng nước mắt nhân tạo để hỗ trợ tình trạng khô mắt do viêm bờ mi, giúp giảm triệu chứng nóng, rát, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

Quy trình này thực hiện khoảng 4-8 tuần, nếu triệu chứng không cải thiện thì chuyển sang dùng thuốc.

2.2 Viêm bờ mi trung bình đến nặng

Sau khi điều trị bằng những biện pháp nêu trên đủ liệu trình, nhưng tình trạng viêm bờ mi không bớt, có triệu chứng nặng lên cần chuyển sang biện pháp dùng thuốc.

Các thuốc được chỉ định là kháng sinh, kháng viêm dùng tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống. Ưu tiên dùng kháng sinh tại chỗ trước khi chuyển sang đường toàn thân.

- Thuốc mỡ kháng sinh: Các thuốc mỡ tra mắt tại chỗ như bacitracin, erythromycin là kháng sinh có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng, được dung nạp và giảm triệu chứng viêm bờ mi bằng cách giảm số lượng vi khuẩn ở mi mắt và kết mạc.

Thuốc bôi trực tiếp lên bờ mi 1 lần/ngày trước khi đi ngủ trong 2 tuần, kết hợp cùng biện pháp điều trị viêm bờ mi nhẹ. Khi các triệu chứng được cải thiện, có thể ngừng kháng sinh, nhưng tiếp tục các biện pháp vệ sinh bờ mi.

- Dung dịch nhỏ mắt: Dung dịch azithromycin nhỏ mắt 1% là thuốc cho tình trạng viêm bờ mi sau. Nhỏ mỗi bên mắt 1 giọt, 2 lần/ngày, thời gian điều trị từ 10 đến 14 ngày.

- Kháng sinh đường uống: Các kháng sinh doxycycline, tetracycline, azithromycin được chỉ định cho tình trạng viêm bờ mi mạn tính, có đáp ứng kém với liệu pháp kháng sinh tại chỗ.

Kháng sinh được chỉ định từ 2-4 tuần, hàm lượng và cách sử dụng thì tùy thuốc và tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể. Riêng với tetracycline được chống chỉ định trong thai kỳ, cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi.

- Chống  viêm glucocorticoid: Các glucocorticoid nhẹ như rimexolone, loteprednol etabonate, và fluorometholone được ưu tiên sử dụng để giảm nguy cơ tác dụng phụ. Thuốc phải có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Không dùng quá 2-3 tuần để giảm nguy cơ tác dụng phụ gây đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.

Bệnh nhân sau đợt dùng glucocorticoid nên đi khám lại mắt để đánh giá tình trạng nhãn áp và thủy tinh thể.

- Cyclosporine: Đây là loại thuốc nhỏ mắt hàm lượng 0,05% và do bác sĩ kê đơn, bệnh nhân không tự ý mua sử dụng.

Khi đã sử dụng các biện pháp nêu trên theo đúng phác đồ bác sĩ hướng dẫn, nhưng tình trạng viêm bờ mi không đỡ, bệnh nhân cần đến bệnh viện để khám và có thể phải điều trị bằng các biện pháp phối hợp khác.

Mời độc giả xem thêm video:

Sáng 3/6: Lý lịch bất hảo kẻ thảm sát nhà vợ cũ; xúc động cảnh vệ dùng tay cứu người co giật SKĐS

ThS. Trần Đăng Khoa
Ý kiến của bạn