Viêm thận bể thận mạn tính là một bệnh có gây tổn thương viêm mạn tính ở nhu mô thận, ở mô kẽ của thận và là hậu quả của quá trình nhiễm khuẩn chủ yếu từ đài bể thận vào thận. Nếu không do nhiễm khuẩn thì được gọi là viêm thận kẽ mạn tính.
Viêm bể thận mạn tính là một bệnh thường gặp và được Wagner mô tả lần đầu tiên vào năm 1882. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và màu da.
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây bệnh
Có nhiều yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho sự hình thành bệnh viêm bể thận mạn tính. Trước hết phải kể đến yếu tố thuận lợi khi bị viêm bể thận cấp, vì một lý do nào đó mà không điều trị dứt điểm hoặc không được điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ thì dễ dẫn đến viêm bể thận mạn. Tiếp đến là do bị tắc nghẽn hoặc bị ứ đọng nước tiểu. Sự tắc nghẽn đường tiểu có nhiều nguyên nhân khác nhau như: do sỏi làm cản trở sự lưu thông hoặc ứ đọng, thậm chí tắc hẳn nước tiểu. Các loại dị dạng đường tiết niệu cũng có khả năng gây nên cản trở đường tiểu. Đa số gặp là do sỏi ở ngay đài thận, bể thận hoặc sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Sỏi có kích thước càng lớn thì sự làm ngưng trệ dòng chảy nước tiểu càng mạnh. Ngoài ra, khối u đường tiết niệu, polyp bàng quang, u sau phúc mạc, u xơ tiền liệt tuyến (nam giới), u xơ cổ tử cung (nữ giới) hoặc bí đái do bị liệt 1/2 người ở chi dưới cũng gây cản trở dòng chảy nước tiểu do đó bị viêm bể thận ngược dòng.
Ảnh minh họa
Tất cả các nguyên nhân làm cản trở dòng chảy nước tiểu, nếu trong nước tiểu có vi sinh vật gây bệnh thì sự gây nên viêm hệ thống đường tiểu là khó tránh khỏi trong đó có sự viêm nhiễm bể thận cấp và mạn tính.
Các công trình nghiên cứu cho thấy hầu hết các trường hợp viêm bể thận là do vi khuẩn đường ruột (E. coli, Proteus, Enterobacter, Citrobacter, Klebsiella) là chủ yếu, trong đó E. coli chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng từ 60 - 80% các trường hợp). Các loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh (P.aerruginosa), cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu) cũng có khả năng gây viêm nhiễm bể thận. Trong các loại cầu khuẩn thì cần cảnh giác với vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes) là loại gây viêm họng cấp, tiếp đến là viêm bể thận cấp do cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có một tỉ lệ đáng kể (khoảng 26%) viêm bể thận mạn không xác định được nguyên nhân.
Viêm bể thận mạn tính cũng phụ thuộc khá nhiều vào sức đề kháng của cơ thể. Khi sức đề kháng kém thì viêm thận - bể thận mạn tính có thể xảy ra mỗi lần gặp một trong các nguyên nhân kể trên, đặc biệt là ở người có bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh gút. Phụ nữ đang mang bầu cũng có thể mắc bệnh viêm bể thận cấp, mạn tính khi có các nguyên nhân thuận lợi đưa đến. Viêm bể thận cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm hoặc không đúng phác đồ thì có nguy cơ trở thành bệnh viêm bể thận mạn tính. Viêm thận - bể thận mạn tính do vi khuẩn theo đường tiết niệu đi ngược lên thận gây viêm thận - bể thận mạn. Bệnh gặp cả nam lẫn nữ do vệ sinh không bảo đảm, hoặc do can thiệp các thủ thuật thăm khám như: soi bàng quang, soi niệu đạo, tán sỏi, mổ phanh lấy sỏi, nong niệu đạo... Ở nữ giới, người ta thấy viêm thận - bể thận mạn tính thường là có tỉ lệ thuận với mức độ hoạt động tình dục và điều kiện vệ sinh yếu kém.
Ở người cao tuổi khi bị u xơ tiền liệt tuyến thì sẽ bị nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, đây là yếu tố thuận lợi gây viêm thận - bể thận mạn tính ngược dòng. Nhiễm trùng đường tiểu, viêm bể thận cũng có thể do vi khuẩn đi theo đường máu đến tổ chức thận, đặc biệt là trong các trường hợp nhiễm khuẩn huyết. Các vi khuẩn nhiễm khuẩn huyết hay gặp là E.coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng. Tuy rằng tỉ lệ nhiễm khuẩn theo đường máu thấp hơn nhiều so với nhiễm khuẩn đường tiểu ngược dòng nhưng lại rất nguy hiểm và bệnh diễn biến phức tạp, trầm trọng, khó điều trị. Ngoài ra có một tỉ lệ thấp viêm bể thận mạn do viêm ruột thừa hoặc viêm cổ tử cung (nữ giới), bởi vì vi khuẩn đi theo đường bạch huyết.
Triệu chứng của viêm bể thận mạn tính
Đặc điểm nổi bật của viêm bể thận mạn là rất khó xác định cho nên người bệnh thường đến gõ cửa phòng khám muộn. Tuy vậy, có một số người bệnh có biểu hiện sốt cao (39 - 40oC), rét run, đau vùng góc sườn lưng (góc xương sườn và cột sống thắt lưng). Vì vậy, khi bác sĩ khám sẽ thấy người bệnh đau nhói vùng hố thắt lưng khi nắn, đôi khi sờ thấy thận to. Triệu chứng đau lan ra vùng hố chậu và xuống dưới xương mu hoặc lan xuống tận bộ phận sinh dục ngoài cũng có thể thấy. Đồng thời, người bệnh cũng thấy tức dưới xương mu (vùng bàng quang), đái buốt, đát rắt, đái khó, nước tiểu đục, có khi đái mủ hoặc thậm chí có máu, tái đi tái lại nhiều lần. Mắc bệnh viêm bể thận mạn thường có nguy cơ làm tăng huyết áp liên quan đến tuyến thượng thận (có khoảng 10% gây tai biến xuất huyết não). Khi đã có suy thận thì xuất hiện thiếu máu (da xanh, hoa mắt chóng mặt khi ngồi xuống đứng lên) và urê huyết tăng cao.
Để chẩn đoán viêm bể thận cần chụp X-quang thận, chụp thận có bơm thuốc cản quang tĩnh mạch (UIV), chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Ngoài ra, có thể xét nghiệm nước tiểu toàn phần, soi cặn nước tiểu và nếu điều kiện cho phép thì nuôi cấy nước tiểu để xác định số lượng vi khuẩn cũng như xác định vi khuẩn gây bệnh. Trên cơ sở đó tiến hành kỹ thuật kháng sinh đồ khoanh giấy để tìm kháng sinh thích hợp nhất nhằm tiêu diệt vi khuẩn.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Để tránh mắc bệnh viêm bể thận mạn tính cần đi khám bệnh định kỳ nhất là khi nghi bị viêm thận hoặc có tiền sử sỏi thận, u xơ tiền liệt tuyến (nam giới), viêm cổ tử cung (nữ giới). Không để mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, nhưng khi đã có bệnh thì bất luận là lứa tuổi nào, nam hay nữ giới cần điều trị một cách tích cực theo đơn của bác sĩ khám bệnh. Trong sinh hoạt không nên có thói quen nhịn tiểu, không nên ăn mặn hoặc lười vận động. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (1,5 - 2 lít).
BS. BÙI MAI HƯƠNG