Bệnh lý viêm bao gân thường gặp ở gân gấp nhiều hơn gân duỗi, chi trên hay gặp hơn chi dưới. Bệnh tuy không nguy hiểm tới tính mạng cũng như tình trạng toàn thân nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vận động của bàn tay và chức năng của bàn ngón tay, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng lao động, gián tiếp ảnh hưởng tới chức năng của chi trên.
Viêm bao hoạt dịch gân gấp có thể dẫn đến tình trạng viêm và lan tỏa theo đường đi của hoạt dịch bao gân mà dẫn tới viêm toàn bộ bao gân. Trong dân gian còn gọi là bệnh càng cua, hay gặp ở gân gấp của ngón 1 hoặc ngón thứ 2, làm chức năng của các ngón tay bị thay đổi nghiêm trọng. Tình trạng viêm nhiễm này lâu ngày sẽ dẫn tới toàn bộ cẳng, bàn tay bị nhiễm trùng và chức năng bị suy giảm nghiêm trọng.
Triệu chứng thường gặp
Khi bị viêm bao hoạt dịch gân gấp, người bệnh thường thấy các biểu hiện như: Ngủ dậy buổi sáng có thể có cảm giác là phần gân cơ của bàn và cổ tay có biểu hiện hơi khó cử động; Khó khăn khi thực hiện các động tác đơn thuần (như cầm nắm và gấp duỗi); Đau ở gân tay khi cầm nắm chặt hoặc va chạm; Ấn tại chỗ có điểm đau chói khó chịu; Tại chỗ có cảm giác ấm và nóng hơn so với bên lành; Có thể có viêm tấy khu trú rõ; Đau khi thực hiện các động tác theo chiều ngược lại; Hay bị ở các ngón dài (ngón có 3 đốt xương), ngón cái còn gọi là ngón ngắn. Đầu tiên, vị trí đau thường ở gân tay, nơi đau thường là những điểm hay tiếp xúc. Giai đoạn sớm mà dùng thuốc thường đạt hiệu quả.
Triệu chứng thường dễ phát hiện như: có thể có sốt, không sốt cao, thường 38-38,5 độ; Đau phía gân tay, dọc theo trục của các ngón tay; có thể có hạch phản ứng ở vùng khuỷu phía trong; vận động gập ngón tay hay duỗi ngón tay đều bị trở ngại. Nếu thấy có biểu hiện tái đi tái lại, cơn đau ngày càng mau thì cần phải tới BS chuyên khoa về phẫu thuật bàn tay.
Bàn tay bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch gân gấp lâu ngày.
Ai có nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch gân gấp?
Bệnh viêm bao hoạt dịch gân gấp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, đôi khi không có nguyên nhân thực sự rõ ràng. Có thể phân loại như sau:
Do chấn thương: do chấn thương hệ thống phần mềm hay xương khớp, người bệnh bị các sang chấn mức độ nhẹ nhưng tái lại nhiều lần, do bong gân hay giãn dây chằng do sang chấn.
Do bệnh lý: Các bệnh nhiễm trùng mạn tính; bệnh đái tháo đường; bệnh gút; “stress” do mệt mỏi quá sức của một nhóm cơ, gân; thoái hoá sớm trong những bệnh toàn thân.
Bệnh hay gặp ở những người làm công việc văn phòng, người hay làm những công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại nhiều như đánh máy, thợ may...
Chẩn đoán xác định
Trên lâm sàng, người bệnh có thể biểu hiện sốt nhẹ toàn thân. Xét nghiệm máu cho kết quả bạch cầu và máu lắng tăng cao. Xquang thường không có dấu hiệu gì đặc biệt. Chụp MRI (cộng hưởng từ) có thể phát hiện chất tiết, tràn dịch hoặc sưng tấy của bao gân, cấu trúc và chất lượng của gân có thể thay đổi... Siêu âm có thể phát hiện một số thay đổi của phần mềm xung quanh.
Điều trị thế nào?
Đây là một bệnh lý không quá nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng.
Điều trị nội khoa là cơ bản theo hướng: Treo tay cao, chườm lạnh; Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau; Dùng kháng sinh khi có viêm nhiễm và toàn thân có biểu hiện nhiễm trùng; Sử dụng vitamin (chủ yếu vitamin C).
Khi điều trị nội khoa theo liệu trình mà không thấy bệnh thuyên giảm, cần phải được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật để điều trị bằng phẫu thuật nếu cần thiết.
Phẫu thuật là bước sau cùng sau khi các phương pháp điều trị nội khoa, điều trị phục hồi chức năng hoặc dùng những thuốc tiêm mà bệnh không thuyên giảm.
Chỉ định phẫu thuật phải được thực hiện bởi các BS chuyên ngành phẫu thuật bàn tay.
Phẫu thuật bàn tay bị viêm bao hoạt dịch gân.
Theo dõi và xử trí các biến chứng nếu có
Biến chứng sau mổ có thể là: Nhiễm trùng; Không lấy hết tổ chức viêm; Đứt gân; Viêm và dính gân sau mổ cũng như viêm và dính khớp.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh lý này thường dễ phát hiện và chẩn đoán trên lâm sàng, chủ yếu điều trị nội khoa. Tuy vậy, nếu không được phát hiện sớm và chẩn đoán đúng cũng như sớm điều trị, bệnh sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Nếu thấy đau và giảm vận động chủ động (cầm, nắm, gấp và duỗi) không có nguyên nhân chấn thương cụ thể thì nên tới khám tại cơ sở y tế; Không tự ý tiêm và xoa bóp vùng đau bằng cồn hoặc rượu; Không dán cao hoặc đắp lá tại chỗ đau.