1.Nguyên nhân gây viêm bàng quang
Có nhiều nguyên nhân gây viêm bàng quang trong đó thường gặp là do nhiễm vi khuẩn Escherichia coli (E. coli). Các ghi nhận khác cũng cho thấy viêm bàng quang còn do tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, lậu cầu,… gây nên.
Người ta còn thấy sử dụng hóa chất như xà phòng tắm tạo bọt, dung dịch vệ sinh,… gây kích ứng và những người sử dụng thuốc hóa trị và cyclophosphamide, ifosfamide... là một trong những nguyên nhân gây viêm bàng quang. Ngoài ra, một số các bệnh lý khác như bệnh viêm vùng chậu, bệnh lao,… gây biến chứng viêm bàng quang.
Trên thực tế cho thấy viêm bàng quang thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới bởi do cấu tạo niệu đạo của phụ nữ rất ngắn, vì thế vi khuẩn xung quang vùng tầng sinh môn dễ dàng thâm nhập vào bàng quang. Ngoài ra, nếu vệ sinh kém, không đúng cách sẽ làm các vi khuẩn tiến triển nhanh hơn nhất là ở chu kỳ kinh nguyệt.
Các nhà nghiên cứu cho thấy, một số yếu tố liên quan khiến viêm bàng quang hay xảy ra nhiều hơn như yếu tố theo tuổi và quan hệ tình dục không an toàn sẽ có nguy cơ cao. Phụ nữ mang thai, phụ nữ mãn kinh và những bất thường đường tiết niệu như: sỏi niệu, bàng quang thần kinh, hẹp niệu đạo… cũng có nguy cơ gây viêm bàng quang.
2.Dấu hiệu viêm bàng quang
Khi bị viêm bàng quang người bệnh có các biểu hiện như: tiểu buốt, cảm giác rùng mình sau khi tiểu xong, tiểu ra máu, nước tiểu đục hoặc có mủ hay mùi hôi. Tiểu rắt trong ngày, đi tiểu nhiều lần mỗi lần chỉ tiểu ra một ít. Người bệnh thường có biểu hiện đau và có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cảm giác buồn tiểu, không thể nín tiểu được.
Ngoài ra, người viêm bàng quang thường đau bụng dưới, khó chịu ở vùng xương chậu, mỏi lưng và đau rát khi quan hệ tình dục nhưng không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi đau đầu.
3.Các biến chứng viêm bàng quang
Viêm bàng quang không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hại. Trong đó thường thấy tiểu ra máu, thiếu máu, khi mắc viêm bàng quang nếu người bệnh có thể đi tiểu ra máu khi bệnh trở nặng, kéo dài sẽ có nguy cơ dẫn tới thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu,…
Viêm bàng quang cũng có thể gây nên nhiễm trùng thận do vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên trên thận. Nếu nhiễm trùng kéo dài thì thận sẽ càng bị ảnh hưởng, dẫn tới suy thận nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi có nguy cơ cao.
Trên thực tế, viêm bàng quang khiến người bệnh tiểu buốt, tiểu máu,.. ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh kéo dài sẽ chuyển thành mạn tính. Khi đó các triệu chứng sẽ xuất hiện dày hơn, gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Bệnh cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đây là một biến chứng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm.
4.Lời khuyên thầy thuốc
Tùy từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể với nguyên tắc điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc những thuốc hỗ trợ khác tùy vào thể trạng sức khỏe và mức độ bệnh lý. Do chủ quan người bệnh không điều trị triệt để hoặc tự mua thuốc dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, nếu có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt,...tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tránh trường hợp kháng thuốc hoặc dùng kháng sinh khi chưa cần thiết.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang cần xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, cần uống nhiều nước, tránh đồ uống chứa các chất kích thích. Không nên nín tiểu, phải đi ngay khi cảm thấy buồn và cần vệ sinh sạch sẽ. Nhất là phụ nữ khi đi vệ sinh lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh tránh các vi khuẩn lây từ đường hậu môn vào âm đạo và niệu đạo.
Không sử dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh không rõ nguồn gốc, những sản phẩm dễ gây kích ứng,… Không sử dụng thuốc xịt khử mùi hoặc các sản phẩm xịt phụ nữ ở vùng sinh dục vì có thể kích thích niệu đạo và bàng quang. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
5 Lợi ích sức khỏe hàng đầu của hành tây