Hà Nội

Viêm bàng quang cấp dễ gặp ở thai phụ

13-12-2018 15:47 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm bàng quang xuất hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập qua niệu đạo và gây nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu với triệu chứng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới… Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận.

Bệnh hay gặp hơn ở phụ nữ mang thai và phụ nữ mãn kinh do ảnh hưởng của những biến đổi nội tiết tố.

Mùa hè sắp đến thời tiết nóng, ẩm cũng là một trong những yếu tố gây bệnh khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi nhưng lại đi tiểu ít đi.

Biểu hiện viêm bàng quang

Dấu hiệu và biểu hiện của bệnh có thể là cảm giác buồn tiểu thường xuyên hơn, mót đi tiểu nhưng chỉ có thể tiểu nhỏ giọt, tiểu ngập ngừng, ngắt quãng, phải rặn tiểu hoặc nhỏ giọt nước tiểu cuối bãi; Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cảm thấy hay buồn đi tiểu, tiểu ít, nước tiểu đục, nước tiểu có mùi khai hơn hay mùi khó chịu, đôi khi nước tiểu đục, tiểu đau, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần hơn; Cơ thể có thể không sốt nhưng người mệt mỏi, đau ở vùng chậu và bụng…

Một số trường hợp nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản và thậm chí tới cả thận. Hiện tượng buồn nôn, đau vùng thắt lưng và sốt có thể là những dấu hiệu của nhiễm khuẩn thận; Nếu không được điều trị kịp thời thì viêm bàng quang có thể dẫn đến viêm thận - bể thận cấp.

Viêm thận - bể thận cấp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Người mẹ dễ bị choáng, sốc nhiễm khuẩn gây suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, suy thận cấp...; thai nhi dễ bị suy thai, sinh thiếu tháng...Bệnh cảnh này thường gặp trên người có tiền sử viêm thận - bể thận do sỏi, có viêm bàng quang do sỏi, hoặc dị dạng đường tiết niệu từ trước khi mang thai mà không biết, nay gặp điều kiện mà phát bệnh.

Trái cây và nước rau ép giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

Trái cây và nước rau ép giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh

Cấu tạo của cơ quan sinh dục phụ nữ phức tạp. Niệu đạo của phụ nữ (dài 4cm) ngắn hơn so với nam giới (20cm) nên vi khuẩn dễ dàng đi ngược dòng vào bàng quang; niệu đạo lại nằm gần trực tràng, vi khuẩn từ đây có thể đi vào niệu đạo và gây nhiễm khuẩn đường tiểu. Niệu đạo nằm cạnh âm đạo, do đó hoạt động tình dục cũng là yếu tố đẩy vi khuẩn ngược dòng vào bàng quang.

Đường niệu của người mang thai có những đặc điểm không bình thường do khối lượng tử cung lớn chèn ép vào bàng quang và niệu quản gây giãn niệu quản, ứ đọng nước tiểu hoặc giãn đài bể thận do sự trào ngược nước tiểu. Nước tiểu ứ đọng gây giảm độ đặc, có hiện tượng chuyển ngược dòng bàng quang - niệu quản, lượng đường trong nước tiểu tăng, progestin và estrogen niệu tăng… Đây là những yếu tố thuận lợi gây viêm bàng quang cấp khi mang thai.

Nguyên nhân do dùng thuốc, tác dụng phụ của thuốc cản trở việc bài tiết - nước tiểu đọng lại trong bàng quang. Khi bàng quang hoạt động kém và nước tiểu không thoát đi hết dễ bị chảy ngược lại niệu quản. Nước tiểu càng ở lại lâu trong đường niệu, nguy cơ vi khuẩn sinh sôi càng lớn, do vậy tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vệ sinh sơ sài hoặc quá kỹ cũng là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh. Hay như việc sử dụng thường xuyên các chất diệt khuẩn, các sản phẩm vệ sinh, sử dụng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo cũng làm mất cân bằng vi khuẩn, tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có ích. Một nguyên nhân ít ai nghĩ đến nữa là đồ lót quá chật làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.

Sự rối loạn cân bằng nội tiết tố (estrogen) khi mang thai là một trong các nguyên nhân gây viêm bàng quang. Sự thiếu hụt nội tiết tố làm niêm mạc niệu đạo và âm đạo bất ổn định, hệ vi khuẩn lành trong âm đạo mất thăng bằng, một số vi khuẩn tăng sinh có thể gây bệnh cho niêm mạc niệu đạo.

Phòng ngừa và điều trị thế nào?

Viêm bàng quang cấp hay viêm đài - bể thận cấp cần được phát hiện và điều trị sớm. Trong mọi trường hợp, cần tránh dùng các kháng sinh có hại cho thai. Viêm bàng quang ở thai phụ phải dùng kháng sinh tới 7-10 ngày do khi mang thai, vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để phát triển, trong khi cơ thể thì giảm sức đề kháng với vi khuẩn. Nếu điều trị ngắn ngày, bệnh sẽ dễ bị tái phát, khi đó sẽ phải dùng kháng sinh liều cao hơn.

Bên cạnh đó, viêm bàng quang là căn bệnh hay tái phát, do đó để phòng ngừa, thai phụ cần chú ý thực hiện các biện pháp đơn giản như sau:

Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít nước. Nước sẽ giúp cơ thể bài tiết tốt, tránh ứ đọng nước tiểu ở bàng quang. Cố gắng đi tiểu đều đặn và không nhịn tiểu lâu gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang; Vệ sinh vùng sinh dục hàng ngày 1 -2 lần. Lựa chọn các sản phẩm vệ sinh thích hợp cho cơ quan sinh dục để không làm mất cân bằng hệ vi sinh ở âm đạo. Không nên xịt nước hoặc cho tay vào âm đạo. Không nên dùng nước hoa hay các chất khử mùi ở cơ quan sinh dục. Thay đồ lót hằng ngày, nhất là  buổi tối trước khi ngủ. Vệ sinh sau khi đi cầu nên rửa từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn vào cơ quan sinh dục. Đồ lót nên chọn loại làm bằng sợi bông, thoáng và hạn chế ra mồ hôi để tránh ẩm ướt. Đi tiểu sau quan hệ tình dục: trong quá trình giao hợp, niệu đạo là ống nhỏ dẫn nước tiểu từ bàng quang thường mở rất rộng, do đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn tại khu vực âm đạo có cơ hội đi ngược lên; Phản xạ tiểu tiện sau mỗi lần giao hợp sẽ giúp thải ngay lập tức những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào trong bàng quang; Tăng sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ và cân đối, bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin C. Khi hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh sẽ góp phần chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.


ThS. BS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn